Ổn định dân cư, thúc đẩy dân sinh, mở mang dân trí, phát triển kinh tế, xã hội tại Mường Nhé, Điện Biên- địa bàn trọng điểm, chiến lược thuộc khu vực biên giới phía Tây của Tổ quốc là trăn trở của Đảng, Nhà nước. Nhưng dù nhiều chương trình, dự án đã được phê duyệt, triển khai và bước đầu đem lại những đổi thay, Mường Nhé vẫn nghèo đội sổ cả nước. Bám riết cuộc sống của người dân trên những rặng núi quanh năm mây mù giăng kín không chỉ có sự lạc hậu, thiếu thốn mà còn là những phức tạp từ âm mưu chống phá, kích động, lôi kéo, chia rẽ của những thế lực thù địch… Vậy làm thế nào để giúp người dân Mường Nhé hiện thực nguyện vọng ấm no, sung túc, góp phần củng cố, giữ vững an ninh - quốc phòng cho vùng đất ngã ba biên giới? TTXVN giới thiệu loạt 4 bài "Tìm động lực phát triển cho cực tây Tổ quốc".
Bài 2: Ở nơi nghèo nhất cả nước
Trên tấm bản đồ Việt Nam, huyện Mường Nhé như một cánh tay vươn dài sang phía Tây, giáp với hai nước láng giềng Trung Quốc và Lào. Địa bàn trọng điểm, chiến lược nơi biên giới này nhiều năm qua được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, thực hiện nhiều dự án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nhưng đến nay vẫn là nơi nghèo nhất cả nước. Dải đất “phên dậu biên cương” bộn bề khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 62,43%, kinh tế vẫn kém phát triển, trình độ dân trí và đời sống của nhân dân các dân tộc ở Mường Nhé vẫn là nỗi day dứt…
Nhiều tháng nay, chị Lò Thị Quyết, 34 tuổi, thấy phấn khởi khi hai mẹ con chị được ở trong ngôi nhà mới xây dựng trên nền ô đất cũ ở xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ngôi nhà của chị có những mảng tôn ghép làm vách, mái tôn cách nhiệt sáng màu tương phản với nâu sậm của đất đồi. Ngôi nhà này là một trong 1.200 nhà tình nghĩa được xây dựng theo chủ trương “nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm nhà” của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an tặng hộ nghèo ở huyện Mường Nhé.
“Không có Bộ Công an giúp xây nhà cho thì chưa biết khi nào mới có thể tự xây được. Nhà mình nghèo quá !”, chị Lò Thị Quyết bộc bạch.
Vui, phấn khởi khi được ở trong ngôi nhà mới nhưng đôi mắt của người phụ nữ dân tộc Thái lại đượm buồn khi nhắc đến chuyện làm ăn, đói no phập phù của một nhà hai mẹ con. Hoàn cảnh gia đình kém may mắn, Lò Thị Quyết ở với con. Ngoài ít lúa, ngô trên rẫy, điều kiện kinh tế của cả nhà trông hết vào đàn gà và vài con lợn trong chuồng được chăn nuôi, xuất bán rồi lại tái đàn. Theo lời chị Lò Thị Quyết, nếu chăm sóc tốt, vật nuôi lớn nhanh đem xuất chuồng thì bình quân thu nhập được hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Trường hợp không may mắn, vật nuôi lây bệnh bị chết hay buộc phải đem đi tiêu huỷ là thua lỗ. “Như đợt dịch tả châu Phi vừa qua, nhà tôi mất trắng đàn lợn 4 con. Cần cù, chịu khó lao động mà buồn là cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng. Giờ thì cố gắng làm hết khả năng chứ tương lai như thế nào thì cũng chưa biết được…”, chị Lò Thị Quyết nói giọng buồn buồn.
Chia sẻ chuyện sinh kế bền vững, chị Lò Thị Quyết kể rằng lâu nay thường tự hỏi nuôi con gì, trồng cây gì, làm cách nào để xoá nghèo đói, phát triển kinh tế hộ gia đình, đi lên bằng quy mô nào. Nhưng với hộ nghèo ở xã heo hút nơi huyện biên giới cách thành phố Điện Biên hơn 200 km, núi non điệp trùng, một bên là vực thăm thẳm, một bên là vách núi cao vút thì “vượt lên là khó lắm, vất vả bội phần”. Lý do là thiếu nguồn vốn, địa hình đồi núi xa xôi, giao thông cách trở và lao động sản xuất trong điều kiện bất lợi là nền đất dốc, bạc màu; còn canh tác lại lạc hậu phụ thuộc và chịu nhiều rủi ro bởi thiên nhiên…
Chuyện nghèo và vất vả tìm cách thoát nghèo của chị Lò Thị Quyết ở xã Mường Nhé cũng là những trăn trở của những hộ nghèo mới được tặng nhà tình nghĩa tại xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé khác như Thào A Xinh, Sùng A Chơ ở bản Huổi Khon 1; Thào A Chua ở bản Huổi Khon 2; Vừ A Lâu ở bản Huổi Hốc; Sùng A Sử ở bản Huổi Thanh 2; Lý A Di ở bản Chuyên gia 1... Ưu tư của các hộ này cũng là trăn trở lâu nay ở huyện biên giới Mường Nhé.
Với tổng diện tích đất tự nhiên và đất lâm nghiệp hơn 157 ngàn ha, Mường Nhé có 110 bản, tổ dân cư và điểm bản với dân số trung bình trên 4,5 vạn nhân khẩu, thành phần dân tộc chiếm 93,58% dân số toàn huyện, chủ yếu là dân tộc H’Mông, Hà Nhì, Thái… Từ khi thành lập vào năm 2002 đến nay, địa bàn trọng điểm, chiến lược thuộc khu vực biên giới phía Tây của Tổ quốc được thụ hưởng rất nhiều những chính sách, chương trình, dự án của Chính phủ dành cho địa bàn dân tộc, miền núi, như: Chương trình Phát triển kinh tế -xã hội các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới (Chương trình 135); các chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đối với các hộ nghèo dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn; hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên…
Từ các nguồn lực được hỗ trợ, huyện Mường Nhé đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã. Nhiều công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, đường giao thông, điện lưới đã được tu sửa và đầu tư đưa vào sử dụng, phục vụ thiết yếu cho việc xóa đói, giảm nghèo của người dân.
Như chia sẻ của Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Vùi Văn Nguyện: Từ khi thành lập huyện đến nay, để xóa đói, giảm nghèo, làm cho đời sống đồng bào các dân tộc được nâng lên, những năm qua, huyện đã tập trung triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách an sinh xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, nhất là về việc làm, thu nhập, hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các đối tượng nghèo yếu thế trong xã hội. Như 10 năm qua, đã giải quyết việc làm cho trên 7.000 lao động, chủ yếu thông qua các chương trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương; đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã, bản, các chính sách hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số về phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình bằng các nguồn vốn được cân đối, bố trí thực hiện trên địa bàn…
Nỗ lực giảm nghèo là thế, vậy mà đến hết năm 2019, Mường Nhé vẫn là huyện nghèo "đội sổ" cả nước khi tỷ lệ hộ nghèo trên mảnh đất ngã ba biên giới này là 62,34%. Tất cả 16 xã của huyện đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. 25 bản làng chưa có điện. Kinh tế kém phát triển, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp trên đất dốc; kết cấu hạ tầng vừa thiếu vừa chưa đồng bộ; trình độ dân trí và đời sống của nhân dân các dân tộc thấp….(Còn tiếp)
Hạnh Quỳnh