Ổn định dân cư, thúc đẩy dân sinh, mở mang dân trí, phát triển kinh tế, xã hội tại Mường Nhé, Điện Biên- địa bàn trọng điểm, chiến lược thuộc khu vực biên giới phía Tây của Tổ quốc là trăn trở của Đảng, Nhà nước. Nhưng dù nhiều chương trình, dự án đã được phê duyệt, triển khai và bước đầu đem lại những đổi thay, Mường Nhé vẫn nghèo đội sổ cả nước. Bám riết cuộc sống của người dân trên những rặng núi quanh năm mây mù giăng kín không chỉ có sự lạc hậu, thiếu thốn mà còn là những phức tạp từ âm mưu chống phá, kích động, lôi kéo, chia rẽ của những thế lực thù địch… Vậy làm thế nào để giúp người dân Mường Nhé hiện thực nguyện vọng ấm no, sung túc, góp phần củng cố, giữ vững an ninh - quốc phòng cho vùng đất ngã ba biên giới? TTXVN giới thiệu loạt 4 bài "Tìm động lực phát triển cho cực tây Tổ quốc".
Bài 1: Những trăn trở từ Đề án 79
Ngày 12/1/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 79 về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (gọi tắt là Ðề án 79). Sau đó đề án được điều chỉnh với phạm vi gồm 21 xã thuộc hai huyện Mường Nhé và Nậm Pồ, thời gian 8 năm, từ 2012 đến hết 2020. Mục tiêu là bố trí, sắp xếp ổn định đời sống cho 12.2005 hộ với hơn 68.000 nhân khẩu, giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng dự án từ 75% năm 2015 xuống còn 55% vào năm 2020.
Nhưng cuối giai đoạn nước rút thực hiện đề án, việc ổn định cuộc sống của các hộ dân tại nhiều bản tái định cư vẫn bộn bề khó khăn. Rào cản trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vẫn là cơ sở hạ tầng chưa được đảm bảo, thiếu đất sản xuất và thiếu cả đất ở…
Định cư nhưng chưa lạc nghiệp
Vàng A Mai, 44 tuổi, người dân tộc H’Mông, ngồi trầm tư trước cửa ngôi nhà gỗ lụp xụp lợp mái proximăng. Ôm chặt chân anh là cô con gái 4 tuổi mặt mũi nhem nhuốc, đôi mắt tròn xoe, trên người mặc độc chiếc áo màu xanh. Sau lưng hai cha con, ngọn đèn treo cao toả thứ ánh sáng ảm đạm lên nền nhà lồi lõm. Đồ đạc trong nhà chỉ là chiếc tủ gỗ tuềnh toàng, giường và chiếc chiếu cũ kỹ gập lại vắt ngang ghế. Trước mắt Vàng A Mai, dòng suối chảy qua bản tái định cư Nậm Là 2, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên dâng cao, cuồn cuộn chảy, nước ngầu đỏ. Vắt ngang dòng suối có chiếc cầu tự chế bằng sợi dây cáp cùng đường ống nước làm lối ra bên ngoài duy nhất cho người dân trong bản mùa mưa lũ. Phóng tầm mắt sang bờ bên kia nhầy nhụa bùn đất, Quốc lộ 4H như vệt chỉ nhỏ uốn lượn qua bốn phía núi non trập trùng.
Vốn ở tỉnh Sơn La nhưng do đông anh em, không có đất canh tác nên năm 2010, Vàng A Mai cùng gia đình di cư tự do đến Cà Là Pá ở huyện Mường Nhé. Dù “khai hoang” 2,7 ha rừng rồi đi làm thuê khắp nơi thì khó khăn vẫn không vơi đi là bao. Chính quyền địa phương đến vận động quay lại nơi ở cũ thì Vàng A Mai không về bởi “ở đó còn khổ hơn nhiều”. Năm 2017 khi có Đề án 79, vợ chồng anh được vận động về định cư ở Nậm Là 2. “Cũng phấn khởi lắm, cũng tin nơi ở mới sẽ tốt hơn chỗ cũ. Chính quyền giao đất để làm nhà, đất để sản xuất rồi hướng dẫn trồng cây keo. Tôi còn đóng bàn, ghế để bán. Thế nhưng đời sống chưa khá hơn là mấy...”, Vàng A Mai cười buồn kể.
Hướng ánh mắt về bên kia bờ với những đồi keo, nương lúa, nương ngô trồng trên đất dốc, xen kẽ những mái nhà lụp xụp, Vàng A Mai bảo: Cách có hơn hai trăm mét thôi mà chưa có cầu nên không thể đi được. Trồng cấy lại toàn trên đất dốc, đất bạc mầu. Chất đất xấu nên năng suất, chất lượng cũng kém. “Có làm cả tháng cũng chỉ được 1 triệu đồng. Vì thế nghèo đói mãi!”, Vàng A Mai ưu tư nói.
Cũng giống hoàn cảnh của Vàng A Mai, gia đình anh Vàng Bảo Chu được chính quyền giao đất ở Nậm Là 2 để làm nhà và 1,7 ha đất để sản xuất, giúp trồng cây xoài, cây nhãn, cây cam nhưng “đất kém nên cây trồng cũng chết nhiều, cuộc sống cũng khổ vì không có nghề gì khác”. Song áp lực sinh kế nơi người đàn ông hơn 30 tuổi này vẫn nhẹ hơn 4 người em trong nhà vừa tách hộ. Bởi những người đó hiện không có đất để ở, không có đất để sản xuất và phải đi mượn nền đất để dựng tạm mái nhà. “Sau khi tái định cư thì nhiều gia đình có số khẩu tăng lên. Tách khẩu, tách hộ thì đất ở và đất canh tác lại không có. Chúng tôi đã đề nghị cấp có thẩm quyền rồi nhưng vẫn không được cấp. Cuộc sống khó khăn quá !”, Vàng Bảo Chu xót xa kể.
Hoàn cảnh của Vàng A Mai, Vàng Bảo Chu cũng là ưu tư của 41 hộ định cư tại bản Nậm Là 2, xã Mường Nhé, là trăn trở của không ít hộ ở 21 xã thuộc hai huyện Mường Nhé và Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên được thụ hưởng Đề án 79 của Chính phủ. Bởi 8 năm thực hiện đề án này, mục tiêu ổn định cuộc sống của các hộ dân tại một số bản tái định cư vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Rào cản chính trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với các hộ này là cơ sở hạ tầng chưa được đảm bảo, thiếu đất sản xuất và thiếu đất ở…
Chật vật sinh kế
Trao đổi vấn đề liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp góp phần cải thiện đời sống người H’Mông tái định cư theo Đề án 79, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Mường Nhé Võ Hoài Nam cho hay: Những năm gần đây, tình trạng dân di cư tự do vào Mường Nhé đã phá vỡ quy hoạch phát triển của huyện cùng nhiều hệ lụy khác như khai hoang, lấn chiếm trái phép đất rừng. Xuất phát từ thực tế trên, Chính phủ đã xây dựng Đề án 79 về sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn huyện với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên thực tế thì việc triển khai gặp rất nhiều trở ngại.
“Thu hồi mặt bằng để lấy đất sản xuất cho các hộ hiện nay rất vướng mắc. Do đất xấu nên có một số điểm bản, bà con không đồng ý nhận. Định mức 2 ha đất sản xuất cho một hộ định cư cũng chỉ có một số điểm bản bà con được nhận đủ, còn lại chỉ có 1,8 ha đến 1,9 ha. Khó khăn về nguồn vốn nên các bản tái định cư trong xã cũng chưa được đảm bảo về cơ sở hạ tầng. Mặt khác, bà con dân trí thấp nên dù cán bộ “cầm tay chỉ việc” thì bà con vẫn không áp dụng được”, ông Võ Hoài Nam cho biết.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé Vùi Văn Nguyện cũng cho hay: Sau 8 năm thực hiện, huyện đã bố trí, sắp xếp 1.016 trong tổng số 1.079 hộ được phê duyệt, thụ hưởng Đề án 79, đạt 94%. Đặc biệt là di chuyển các hộ dân ở vùng xa, vùng sâu, vùng khó khăn và một số hộ ở khu vực rừng phòng hộ để ổn định dân cư tập trung. Thành công lớn nhất của Đề án 79 là đã góp phần rất lớn xây dựng huyện Mường Nhé ổn định về định canh, định cư, không còn hộ du canh, du cư. Nhưng bên cạnh những đổi thay cũng bộc lộ nhiều trở ngại.
Phó Trưởng Công an huyện Mường Nhé, Thiếu tá Tống Văn Chỉnh (giữa) cùng công an xã, Thượng uý Hàng A Tu thăm chị Giàng Thị Xua (nạn nhân mua bán người) ở bản Co Lót, xã Mường Nhé. Ảnh: Nhật Anh – TTXVN
“Một số hộ dân sau khi được chính quyền phê duyệt danh sách và chuyển đến điểm bản đề án lại quay trở về nơi ở cũ vì lý do… không có anh em họ hàng ở cùng, một số hộ chuyển đến đã bỏ đi. Có trường hợp không chịu nhận đất ngoài thực địa với lý do chủ đầu tư chưa bố trí đủ 2 ha đất sản xuất, họ nhiều lần đề nghị với chủ đầu tư giải quyết bằng cách đưa tiền mặt cho mỗi hộ 25 triệu đồng để tự đi tìm mua đất do đó gây khó cho việc giao đất, chia đất ngoài thực địa và hoàn thiện các phương án cấp giấy cho nhân dân…”, ông Vùi Văn Nguyện nói.(Còn tiếp)
Hạnh Quỳnh