Niềm vui có nhà mới của người dân biên giới Nậm Pồ

Gia đình anh Giàng A Chu, bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần đón nhận ngôi nhà mới. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Gia đình anh Giàng A Chu, bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần đón nhận ngôi nhà mới. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Là địa bàn trọng điểm, chiến lược thuộc khu vực biên giới phía Tây của Tổ quốc, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) được thành lập năm 2013 trên cơ sở chia tách 10 xã của huyện Mường Nhé và 5 xã của huyện Mường Chà. Toàn huyện có 8/15 xã giáp biên với hơn 120km đường biên giới giáp Lào. Sau 7 năm xây dựng, phát triển, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với những chương trình, dự án đầu tư hiệu quả, Nậm Pồ đã có những đổi thay tích cực trên các lĩnh vực đời sống, diện mạo nông thôn bản làng đã có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, Nậm Pồ vẫn là huyện nghèo với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 56% (năm 2019), số hộ nghèo chưa có nhà ở, nhà ở tạm, dột nát còn hơn 1.000 hộ. Thực hiện chủ trương của Bộ Công an về việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, Nậm Pồ được hỗ trợ xây mới, sửa chữa 615 ngôi nhà với kinh phí hỗ trợ gần 30 tỷ đồng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tài trợ. Sau gần 2 tháng triển khai chương trình đã có hơn 300 ngôi nhà được hoàn thành, bàn giao cho người dân sử dụng.

Hiện thực hóa giấc mơ của hộ nghèo vùng biên giới

Bản nghèo Huổi Cơ Dạo thuộc xã Nà Hỳ có gần 90 hộ dân sinh sống, có 6 hộ nghèo, neo đơn, người tàn tật, dị tật bẩm sinh, mất sức lao động... được thụ hưởng, đã được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng bàn giao ngôi nhà mới.

Trở lại bản Huổi Cơ Dạo vào cao điểm mùa mưa. Mưa phủ khắp các bản làng, trắng trời biên giới, chúng tôi càng hiểu được niềm vui của mỗi người dân nơi đây khi được là chủ nhân của ngôi nhà mới; càng thấy rõ hơn giá trị nhân văn cao đẹp mà chủ trương này mang lại cũng như trách nhiệm, sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị đến người dân biên giới.

Niềm vui có nhà mới của người dân biên giới Nậm Pồ ảnh 1Lãnh đạo Bộ Công an và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trao tặng kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo huyện Nậm Pồ. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Chị Phùng Phẩy Lai vừa được giao căn nhà mới cho biết: “Từ khi lập gia đình, vợ chồng tôi chỉ có căn nhà gỗ, mái lá cọ, cỏ gianh, vách thưng ván, quanh năm gió lùa. Gia đình chủ yếu làm nương rẫy, chỉ đủ ăn nên không thể tích lũy để sửa chữa, cũng chẳng dám ước mơ về một căn nhà mới. Ở trong căn nhà tuềnh toàng, xiêu vẹo, vào mùa mưa nền nhà luôn ẩm ướt do mái dột, gió lùa hắt nước vào trong. Đặc biệt, mỗi khi mưa to, ban đêm vợ chồng và hai con nhỏ nơm nớp lo sợ nhà đổ, không dám ngủ. Nay nhờ Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền quan tâm làm cho nhà mới, rộng rãi, chắc chắn nên ai cũng mừng, cũng vui. Mưa gió không phải lo sợ nữa, gia đình rất yên tâm”.

Cách nhà chị Lai không xa là ngôi nhà mới của vợ chồng ông Sùng Páo Của và bà Giàng Thị Tàng. Ông Của bị tật bẩm sinh, mất sức lao động. Ngừng tay dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc trong căn nhà mới, bà Giàng Thị Tàng cho biết: Nhà bà có 3 người, con trai lớn 17 tuổi đi lao động ở miền xuôi lâu rồi chưa về. Cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ mảnh nương nhỏ trên núi, hay mất mùa. Hàng chục năm trước gia đình bà phải ở trong nhà gỗ lợp lá, hai vợ chồng già rồi không còn sức để kiếm tiền. Nếu không có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của chính quyền địa phương thì gia đình bà không bao giờ có được ngôi nhà mới như hôm nay.

Ngược đoạn dốc cao từ con đường liên xã, chúng tôi đến ngôi nhà mới của chị Phùng Mùi Diện giữa lúc trời đang đổ mưa, chị Diện đang chăm chỉ thêu thùa, may vá. Chị cho biết: Gia đình có 2 con nhỏ, công ăn việc làm của chồng bấp bênh, bản thân chị bị dị tật bẩm sinh nên chỉ phụ giúp thêm kinh tế với chồng bằng việc thêu thùa thổ cẩm để bán. Nhiều năm qua, gia đình chị sống trong căn lán gỗ chật chội, xiêu vẹo. Khi mưa gió, cả gia đình phải sang nhà hàng xóm ở nhờ vì sợ nhà đổ. Đói nghèo cứ đeo bám mãi nên không có tiền để sửa chữa nhà. "Bây giờ có nhà mới rồi, mưa nắng cũng không lo nữa, mình cảm thấy vui, yên tâm, hạnh phúc rất nhiều"-chị Diện cho biết.

Niềm vui có nhà mới của người dân biên giới Nậm Pồ ảnh 2Gia đình anh Giàng A Chu, bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần đón nhận ngôi nhà mới. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Theo ông Ngô Xuân Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Nà Hỳ, triển khai chủ trương hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo do Bộ Công an phát động, xã đã hoàn thành, bàn giao 40/65 nhà. Số nhà còn lại đã chuẩn bị xong nền, tập kết được vật liệu, máy móc, thiết bị đến địa điểm xây dựng. Xã phấn đấu chậm nhất đến ngày 30/8 sẽ hoàn tất việc làm nhà cho người nghèo được thụ hưởng từ chương trình. Chương trình này cơ bản đã giúp xã Nà Hỳ xóa hết nhà tạm, nhà dột nát. Mặc dù giá trị ngôi nhà không lớn, nhưng với người nghèo là một khối tài sản giá trị. Đây đều là nhà kiên cố chuẩn “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng). Để giúp người dân ổn định, vươn lên trong cuộc sống sau khi có nhà mới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ phân công các tổ chức, đoàn thể gần gũi động viên, tuyên truyền cho người dân phát triển kinh tế bằng các mô hình phù hợp.

Đẩy nhanh tiến độ

Thực hiện kế hoạch số 1484/KH-UBND ngày 26/5/2020 của UBND tỉnh Điện Biên về triển khai thực hiện chủ trương hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, huyện Nậm Pồ, các đơn vị Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, Đoàn kinh tế - quốc phòng 379 được giao nhiệm vụ phối hợp thực hiện.

Ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ cho biết: Nhà xây mới được hỗ trợ mức tối đa 50 triệu đồng/nhà, đảm bảo diện tích nhà tối thiểu 36 m2. Hộ neo đơn, xa trung tâm, khó khăn trong việc vận chuyển vật liệu, diện tích nhà tối thiểu 30 m2. Hộ có nhà cải tạo, sửa chữa được hỗ trợ 15 triệu đồng/hạng mục. Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ-nhân dân làm nhà”, dựa trên nguyên tắc “cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình làm nhà”, thời gian qua các đơn vị đã chủ động phối hợp với chính quyền các xã xây dựng, sửa chữa nhà tại địa bàn phụ trách. Tính đến ngày 11/8, sau những nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa”, các đơn vị đã hoàn thành được 304/615 ngôi nhà mới trên địa bàn 12 xã, hơn 140 nhà đang gấp rút thi công, số còn lại đang tập kết vật liệu, máy móc, khung mái về địa điểm.

Theo ông Bùi Văn Luyện, còn khoảng gần 20 ngày nữa, các đơn vị phải xây dựng xong hơn 310 ngôi nhà mới, một khối lượng công việc rất lớn, thi công dàn trải trên một "đại công trường", khó khăn về giao thông. Hiện là cao điểm mùa mưa, diễn biến thời tiết bất lợi đòi hỏi các đơn vị phải quyết tâm cao hơn, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, đáp ứng đủ các tiêu chí. Do đó, chúng tôi sẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là các phòng, ban, đoàn thể ở cấp xã cùng chung tay hỗ trợ, tập trung giám sát, chỉ đạo cho các đơn vị dựng nhà, cố gắng hoàn thành, chậm nhất trước ngày 30/8.

Đánh giá về tính thiết thực của chương trình, ông Bùi Văn Luyện cho rằng: Huyện Nậm Pồ huộc diện chương trình 30a của Chính phủ, là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Điện Biên... Chủ trương hỗ trợ làm nhà rất có ý nghĩa, thiết thực đối với đồng bào các dân tộc, đặc biệt với hộ nghèo. Đây là một chương trình rất nhân văn, ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thuộc hộ nghèo nơi biên giới. Có chương trình này, chúng tôi dễ dàng thực hiện thành công tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư trong chương trình xây dựng nông thôn mới; giúp hộ nghèo có nơi ở ổn định, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn và tạo tiền đề cho địa phương tập trung phát triển kinh tế, xã hội, an ninh-quốc phòng.

Xuân Tiến- Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm