Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ (thôn Tân Dân, xã Bồng Khê) hiện có 400 gốc cam, dự kiến thu hoạch vụ mùa năm nay được 10 tấn cam nhưng đến thời điểm hiện tại cam đã vào chính vụ nhưng vẫn không bán được. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN |
Cam rớt giá mạnh
Sau khi có chính sách dồn điền đổi thửa, gia đình bà Nguyễn Thị Huệ, thôn Tân Dân, xã Bồng Khê vay vốn ngân hàng 200 triệu làm trang trại cam. Bà Huệ hiện có 400 gốc cam, dự kiến thu hoạch 10 tấn cam nhưng đến thời điểm hiện tại cam đã vào chính vụ nhưng vẫn không bán được.
“Quả cam đẹp, vị ngọt, đã chín rồi nhưng không bán được. Gia đình vẫn phải thu hoạch tránh tình trạng bị chín rụng. Đến thời điểm này tôi chỉ bán lẻ mỗi lần 2 – 5 kg và không có thương lái đến thu mua với số lượng lớn như những năm trước. Nguyên nhân không có người thu mua vì cam trồng nhiều mà không có nơi tiêu thụ. Người trồng cam hầu hết đều vay vốn ngân hàng, trong khi phải đầu tư rất nhiều công sức và vốn liếng nhưng giá bán cam quá rẻ, thậm chí chỉ 10.000 đồng/3kg nên rất khó khăn”, bà Huệ chia sẻ.
Theo những người trồng cam ở xã Bồng Khê, tiền bán cam phải trả nợ tiền phân bón, giống và một phần trả lãi chứ chưa trả được nợ gốc cho ngân hàng.
“Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là đầu ra, sản phẩm làm ra không bán được, sâu bệnh nhiều, chi phí lớn mà không có lãi nên nông dân không có động lực để tiếp tục chăm sóc, đầu tư mới”, bà Huệ nói thêm.
Thu nhập của gia đình anh Phan Đức Sơn (thôn Quyết Tiến, xã Chi Khê) năm nay giảm đi một nửa, khiến gia đình anh rất lo lắng. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN |
Tại xã Chi Khê có gần 32 ha cam, những năm trước đây loại quả này mang lại thu nhập khá lớn cho người dân, trung bình mỗi hộ thu về từ 100 - 500 triệu đồng/năm. Tuy nhiên năm nay, mặc dù cam đã chín và rụng quả nhưng rất ít thương lái thu mua khiến cho người dân và chính quyền không khỏi lo lắng
Vừa thu hoạch cam bán cho thương lái, anh Phan Đức Sơn ở thôn Quyết Tiến, xã Chi Khê chia sẻ, gia đình anh trồng cam đã nhiều năm nay với diện tích hơn 2 ha, gồm 2 loại cam chín sớm và chín muộn để bán dịp Tết. Năm nay, cam muộn được mùa, năng suất cao hơn năm ngoái, nhưng giá bán lại giảm nhiều. Giá cam chính vụ bán cho thương lái chỉ được 7.000 - 17.000 đồng/kg, cam chín muộn bán Tết là 25.000 đồng/kg. Thường thì trước đây, mỗi năm cây cam mang lại thu nhập cho gia đình 400 triệu đồng, tuy nhiên năm nay thu nhập giảm đi một nửa.
Giá tiền công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đều tăng trong khi giá cam giảm khiến người trồng cam rất buồn và băn khoăn. Người dân mong muốn các cấp chính quyền, ban ngành có giải pháp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cam như liên kết với nhà máy chế biến cam, các loại cây ăn quả, đưa sản phẩm cam vào chỉ dẫn địa lý cam Con Cuông, đồng thời dán tem nhãn, truy xuất nguồn gốc để sản phẩm cam tìm được đầu ra.
Người dân cũng mong chính quyền địa phương hướng dẫn chọn giống có chất lượng, uy tín, đồng thời tập huấn cho người trồng cam phải nắm bắt khoa học kỹ thuật chăm bón phù hợp và thống nhất, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, anh Sơn chia sẻ.
Theo khảo sát, hiện nay giá cam thấp nhất trong nhiều năm qua, chỉ ở mức 7.000 - 20.000 đồng/kg nhưng vẫn tiêu thụ chậm nên nhiều nhà vườn chỉ cắt cam đóng thùng bán lẻ tại các chợ trong và ngoài huyện. Hiện lượng cam chín trên cây vẫn còn nhiều. Điều này gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất cam của vụ tới.
Bà Lê Thu Hường, thương lái chuyên chở trái cây đi tiêu thụ tại các chợ ở thành phố Vinh cho biết, cam chính vụ giảm mạnh là do sản lượng cam càng ngày càng nhiều. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ trong tỉnh là chính. Ngoài ra, thời điểm này, những loại trái cây khác ở các địa phương trong và ngoài tỉnh cũng tràn ngập thị trường.
Năm nay, giá cam thấp, thương lái thu mua ít nên người trông cam ở Con Cuông rất lo lắng. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN |
Tìm đầu ra cho sản phẩm
Hiện nay,các trang trại cam ở Con Cuông đang vào mùa thu hoạch, mặc dù trước đó gặp phải thời tiết hạn hán kéo dài rồi đến mưa lụt, sâu bệnh…nhưng đến thời điểm này, các vườn cam đã được hồi phục và trĩu quả.
Vùng chuyên cam hàng hóa tập trung các xã Yên Khê, Bồng Khê, Chi Khê thuộc huyện Con Cuông với tổng diện tích 450ha cam; trong đó, trên 150ha cho thu hoạch với năng suất dự kiến 100 tạ/ha, tương đương khoảng gần 2.000 tấn quả. Cam Con Cuông hiện nay có thị trường chính là thành phố Vinh, Hà Nội, Đà Nẵng, một số tỉnh phía Nam và tiêu thụ tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Chi Khê, bà Nguyễn Thị Thắng cho biết, năm nay sản lượng và năng suất cây cam cao hơn năm trước nhưng giá cả lại quá rẻ và bán chậm, kết hợp sâu bệnh nên người dân khá hoang mang. Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích vì cam là một loại cây khó tính phải có kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt xã Chi Khê thì 70% là đồng bào dân tộc Thái nên việc đầu tư cũng như kỹ thuật chăm sóc chưa được bài bản. Với những gia đình đã và đang trồng cam thì tiếp tục chăm sóc và chuyển đổi sang trồng cây ăn quả khác. Chính quyền cũng hỗ trợ người dân tuyên truyền quảng bá sản phẩm ra thị trường.
Thương lái đến thu mua cam tại gia đình anh Phan Đức Sơn (thôn Quyết Tiến, xã Chi Khê) với giá rẻ một nửa so với năm ngoái là 7.000 - 15.000 đồng/kg. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN |
Ngoài bất cập về đầu ra, mô hình phát triển vùng cam hiện nay ảnh hưởng đến chất lượng chung của sản phẩm. Thực tế cho thấy, do giao đất theo hình thức khoán hộ nên khó khăn trong điều hành và quá trình sản xuất, cây cam lại có nhiều lứa tuổi khác nhau dẫn đến chất lượng sản phẩm cam giữa từng hộ, từng vùng không đồng đều, chỉ có khoảng 60% sản phẩm cam sau thu hoạch có chất lượng đạt tiêu chuẩn, bán được giá cao.
Bên cạnh đó, việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cam trên thị trường còn hạn chế dẫn đến việc nhận diện thương hiệu của người tiêu dùng gặp không ít khó khăn.
Để khắc phục tình trạng trên và nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, mục tiêu hướng đến là sản phẩm cam Con Cuông không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn có mặt ở thị trường nước ngoài. Muốn vậy, trước mắt huyện Con Cuông đang có kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp thu mua cam của bà con nông dân, thành lập được hợp tác xã Cam Con Cuông và chỉ dẫn địa lý Cam Vinh. Hiện nay, nhãn hiệu cam Con Cuông đã được cấp và bàn giao nhãn hiệu cho hợp tác xã, hứa hẹn nâng cao thương hiệu cũng như thị trường đối với sản phẩm cam của địa phương.
Ông Lô Văn Thao, Phó Chủ tịch huyện Con Cuông cho biết, huyện cũng chủ trương không mở rộng thêm diện tích trồng cam mới, giữ nguyên quy hoạch và tập trung nâng cao chất lượng cây cam hiện có. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các hộ nông dân tham gia các hội chợ cam ở ngoài tỉnh, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn với người tiêu dùng.
Về lâu dài, huyện Con Cuông cũng muốn liên kết với các địa phương khác xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản và các sản phẩm chế biến từ cam. Như vậy mới tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm cam, tăng chuỗi giá trị sản xuất.
Bích Huệ