Bà Nguyễn Thị Thu Hà (bên trái), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng quà chúc mừng nữ diễn viên Nhã Phương chính thức trở thành Đại sứ của chương trình nhắn tin “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Đoàn công tác của Chương trình nhắn tin “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo vùng biên giới như: Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà 240 phụ nữ. Phòng tiêm chủng vắc xin Cao Bằng thuộc hệ thống phòng tiêm Safpo của Tập đoàn Y tế AMV đã hỗ trợ toàn bộ chi phí khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; P&G Việt Nam hỗ trợ quà tặng cho chị em nghèo.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Quốc Hùng cho biết: Chương trình nhắn tin “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thu hút sự tham gia ủng hộ của đông đảo nhân dân cả nước qua cú pháp nhắn tin BC gửi 1409. Sau 1 tháng triển khai, Chương trình đã vận động được trên 800 triệu đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ chương trình nhắn tin sẽ được sử dụng để hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo vùng biên giới.
Các đại biểu cùng soạn tin nhắn với cú pháp BC gửi 1409(20.000đồng/tin nhắn) ủng hộ chương trình nhắn tin “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Chị Hứa Thị Hoành, 36 tuổi, là thành viên hộ đặc biệt khó khăn ở thôn Đà Bút - Nà Đoan, xã Phong Nặm, được trao tặng hỗ trợ lần này. Chị Hoành cho biết: Từ số tiền 10 triệu đồng trợ giúp của Chương trình, gia đình đã mua 8 con lợn giống, số tiền còn dư được dùng để sửa lại chuồng và mua thêm sắn, ngô nuôi lợn. Chị hy vọng sau 4 tháng, đàn lợn sẽ xuất chuồng. Nếu đàn lợn phát triển tốt, trong khoảng 2 năm, gia đình sẽ thoát nghèo và có thể hoàn vốn cho chương trình.
Xã Phong Nậm, huyện Trùng Khánh, quê hương của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam La Văn Cầu, là xã vùng 3 biên giới khó khăn, dân trí không đồng đều với 98% đồng bào dân tộc Tày sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Tập quán canh tác của đồng bào nơi đây còn manh mún, nhỏ lẻ, độc canh lúa ngô thuần túy, hầu hết tự cung tự cấp, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, y tế còn hạn chế. Nguồn vốn của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ con giống cho các hộ gia đình sẽ được thực hiện luân phiên. Sau khi hộ gia đình được hỗ trợ thoát nghèo, vốn sẽ được hoàn lại cho Chương trình để hỗ trợ các gia đình khó khăn khác. Điều này giúp nguồn vốn được bảo toàn và nhân rộng.
Minh Huệ