Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả nông sản an toàn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du đã trở thành "điểm sáng" trong sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Ninh. Thành công của Hợp tác xã có sự đóng góp không nhỏ của Giám đốc Nguyễn Văn Hiệp - một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, nơi địa phương còn nhiều khó khăn, vất vả, ông Nguyễn Văn Hiệp đã sớm ý thức phải vươn lên thoát nghèo.Ông nhận thấy địa phương có nghề trồng rau lâu năm nhưng bà con chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả không cao. Với kiến thức, kỹ thuật được tiếp thu từ những lớp tập huấn của Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh về trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, ông Hiệp đã dành 6 sào ruộng của gia đình để trồng rau an toàn. Nhờ có quy trình nghiêm ngặt từ khâu làm đất, chọn giống đến chăm sóc, thu hoạch, ngay vụ rau đầu tiên, gia đình ông đã thu nhập 10 triệu đồng/sào.
Ông Hiệp chia sẻ, trồng rau an toàn phải tuân thủ nhiều quy định như: nguồn đất phải sạch, không nhiễm các hóa chất độc hại đối với con người và môi trường. Quy trình trồng rau sạch khá khắt khe, chỉ được dùng phân xanh, phân chuồng đã được ủ hoai mục, nguồn nước sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. So với cách trồng rau truyền thống, trồng rau sạch theo hướng tập trung tuy có nhiều quy định ràng buộc nhưng an toàn với cả người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Từ thành công ban đầu với mô hình trồng rau an toàn, năm 2009, ông Hiệp được người dân tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Liên Ấp. Với vai trò mới, ông Hiệp luôn đi đầu trong các phong trào tại địa phương và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất với người dân trong thôn.
Năm 2011, khi có nhiều hộ trong thôn trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, ông đã tập hợp các gia đình để thành lập Tổ sản xuất rau an toàn thôn Liên Ấp do ông làm Tổ trưởng và trực tiếp điều hành từ khâu mua giống, lịch gieo trồng, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, kiểm tra nhật ký trồng rau trước khi xuất bán đến kết nối tiêu thụ. Bình quân mỗi năm, Tổ hợp tác bao tiêu hàng trăm tấn rau cho nông dân.
Ông Hiệp cho biết, việc vận động bà con lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn do họ còn hoài nghi về hiệu quả kinh tế, nhất là việc phải ghi chép nhật ký trồng rau. Tuy nhiên, hiệu quả từ thực tế đã thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân nơi đây.
Năm 2018, ông Hiệp vận động các thành viên trong Tổ hợp tác góp đất, vốn, hoàn thiện các thủ tục liên quan thành lập Hợp tác sản xuất rau, củ, quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp do ông làm Giám đốc. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại Bắc Ninh.
Theo ông Hiệp, việc thành lập Hợp tác xã để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản không chỉ mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện thu nhập cho nông dân mà còn góp phần phát huy những lợi thế của địa phương, đặc biệt là giải quyết bài toán được mùa, mất giá ở các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Các thành viên hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện góp đất, vốn để hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ sản xuất nông sản, Hợp tác xã còn hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên trong chăn nuôi. Thu hút được gần 150 hộ tham gia, sản xuất trên diện tích hơn 140 ha (rau gần 40 ha, lúa trên 100 ha) với doanh đạt từ 6-7 tỷ đồng/năm, Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả nông sản an toàn Liên Ấp đã tạo việc làm cho hơn 300 lao động trong thôn với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Khang (thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du) là một trong những hộ điển hình làm giàu từ trồng rau an toàn theo hướng VietGap. Ông Khang chia sẻ, trước đây, gia đình ông canh tác hơn 8 sào rau. Sau đó, do đầu ra không ổn định cùng với việc không có vốn để sản xuất, gia đình chỉ canh tác 4 sào, diện tích còn lại phải bỏ hoang. Năm 2019, được Hội Nông dân xã Việt Đoàn tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình ông đã đầu tư mua máy móc, cải tạo lại 8 sào ruộng để trồng những loại rau, củ, quả ngắn ngày. Để tăng năng suất, chất lượng và tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản, gia đình ông Khang đã tham gia Hợp tác xã sản xuất rau củ nông sản an toàn thôn Liên Ấp và trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, trừ chi phí, mỗi năm, gia đình lãi trên 50 triệu đồng từ việc trồng rau, củ, quả.
Với vai trò là Giám đốc, ông Hiệp không chỉ đưa Hợp tác xã trở thành điểm sáng trong sản xuất, tiêu thụ nông sản mà còn đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thích nghi với biến đổi khí hậu khi tham gia Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam" được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai tại Bắc Ninh.
Ông Hiệp chia sẻ, năm 2021, khi triển khai Dự án, gia đình ông là một trong 10 hộ của Hợp tác xã tham gia với 1 ha. Qua thực tế triển khai, phương pháp này cho thấy hiệu quả rõ rệt so với phương pháp cấy lúa truyền thống. Ngay vụ lúa đầu tiên, năng suất đã tăng từ 2,2 lên 2,7 tạ/sào. Các chi phí đầu vào giảm so với phương pháp canh tác truyền thống. Đến nay, tất cả các thành viên đều tham gia dự án với diện tích trên 100 ha.
Với những thành tích đạt được, ông Nguyễn Văn Hiệp đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Hội Nông dân tỉnh…
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đăng Khang khẳng định, ông Nguyễn Văn Hiệp là Chi hội trưởng nông dân gương mẫu, là Giám đốc Hợp tác xã năng nổ, có trách nhiệm với tập thể. Ông là hình mẫu người nông dân mới tiên phong trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao; qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương.
Thái Hùng