Sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn

Sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn

Sáng 23/5, tại thành phố Phủ Lý, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn”.

Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mục đích của kinh tế tuần hoàn là kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, nhằm gia tăng giá trị. Nguyên tắc cơ bản của kinh tế tuần hoàn là tất cả các “phế thải” của quá trình sản xuất đều được coi như tài nguyên, nguyên liệu của các quy trình sản xuất sản phẩm tiếp theo.

Mục tiêu của kinh tế tuần hoàn là hạn chế sử dụng tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính vào môi trường bằng việc tổ chức sản xuất theo vòng tuần hoàn khép kín. Các yếu tố trong hệ thống sản xuất tuần hoàn nông nghiệp bao gồm: tuần hoàn chất hữu cơ, tuần hoàn chất dinh dưỡng, tuần hoàn nước, tuần hoàn năng lượng và tuần hoàn vật liệu nhựa.

Nông nghiệp tuần hoàn đã tồn tại lâu đời ở Việt Nam trong các hệ thống canh tác: vườn - ao - chuồng; vườn - ao - chuồng - rừng; xen canh, gối vụ; trong đó, chất thải của chăn nuôi phục vụ trồng trọt, phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Các hợp phần cấu thành của vòng tròn sản xuất nông nghiệp tuần hoàn hiện nay đang được khai thác và ứng dụng. Tuy nhiên, hiệu quả chưa được như mong muốn và tiềm năng còn rất lớn.

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn” được tổ chức để nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp, nhà quản lý chuyên môn và chính quyền các cấp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức sản xuất, chuyển giao công nghệ và bàn các giải pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, nhằm hạn chế sử dụng tài nguyên và giảm phát thải nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và gia tăng giá trị sản phẩm.

Tại diễn đàn, các đại biểu đại diện cho các cục, vụ, viện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các hội, hiệp hội, doanh nghiệp và nông dân các tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên và Bắc Ninh đã trao đổi, thảo luận tập trung vào một số nhóm vấn đề như: chính sách đối với sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn; vấn đề thông tin tuyên truyền cho phát triển nông nghiệp tuần hoàn; các giải pháp phát triển nông nghiệp tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đồng thời hạn chế sử dụng tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo ông Lê Hoàng Thuyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, kinh tế tuần hoàn đang là một xu thế tất yếu. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về kinh tế tuần hoàn cũng như vai trò của kinh tế tuần hoàn trong phát triển bền vững.

Việc giáo dục về kinh tế tuần hoàn, truyền thông về kinh tế tuần hoàn phải được thực hiện cho cả người tiêu dùng và người sản xuất; trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các nhà sản xuất, hướng đến sản xuất có trách nhiệm, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý, từng bước thay đổi tư duy sản xuất và chế biến áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu xả thải.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho sự hình thành và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tỉnh Hà Nam đã và đang phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học; trong đó có nông nghiệp tuần hoàn, đó là các mô hình: vườn - ao - chuồng - Biogas; lúa - cá; nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”; nuôi bò - trồng cây dược liệu, cây ăn quả; sản xuất tổng hợp nuôi bò - nuôi trùn quế - trồng cỏ/ngô/cây ăn quả; gia cầm - cá…, đã giúp người chăn nuôi quản lý tốt chất thải nông nghiệp, sử dụng hợp lý phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón trả lại độ phì nhiêu cho đất, xử lý an toàn chất thải động vật, tạo năng lượng tái sinh, tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt, chống ô nhiễm môi trường.

Nguyễn Chinh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm