Tiền Giang trồng lúa hữu cơ theo quy định châu Âu

Tiền Giang trồng lúa hữu cơ theo quy định châu Âu

Nằm trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công, huyện Gò Công Tây được coi là vựa lúa lớn phía Đông tỉnh Tiền Giang. Địa phương hiện có khoảng 8.500 ha đất trồng lúa 2 vụ mỗi năm. Để phát huy thế mạnh cây lúa trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giúp nông dân làm giàu và nông nghiệp, nông thôn đổi mới, cùng với tổ chức lại sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, Gò Công Tây quan tâm phát huy tiềm năng và lợi thế ngành trồng trọt theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, nhân rộng những mô hình sản xuất tiên tiến và hiệu quả trong nông dân, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Gò Công đặc sản địa phương.

Tiền Giang trồng lúa hữu cơ theo quy định châu Âu ảnh 1Nông dân và cán bộ kỹ thuật trao đổi kinh nghiệm trồng lúa hữu cơ xuất sang Châu Âu. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Theo ông Mai Đức Tấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây, thực hiện chủ trương trên, trong vụ Đông Xuân 2021 – 2022, Trung tâm phối hợp cùng Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK triển khai Mô hình “Sản xuất lúa hướng hữu cơ an toàn kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định châu Âu” tại các xã trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của địa phương là: Đồng Thạnh, Bình Phú, Thạnh Trị, Yên Luông, Thành Công trên diện tích 132 ha. Thực tế cho thấy đã mang lại những giá trị thiết thực, năng suất cao, cho ra nông sản an toàn, đạt chuẩn xuất sang châu Âu, được doanh nghiệp liên kết bao tiêu. Qua đó, tháo gỡ nút thắt sản xuất nông nghiệp thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây, khi tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 100kg lúa giống, 54kg phân hữu cơ/ha. Đồng thời, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây còn tổ chức tập huấn đầu vụ, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn nông dân bón phân, phun thuốc có kế hoạch, ứng dụng các chương trình "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" và trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch. Nông dân tham gia mô hình còn được Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra với giá cao hơn giá lúa trên thị trường bình quân 200 đồng/kg.

Đến nay, toàn bộ diện tích lúa tham gia mô hình “Sản xuất lúa hướng hữu cơ an toàn kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo qui định Châu Âu” đã thu hoạch xong và cho kết quả rất phấn khởi. Mỗi ha sản xuất theo mô hình, nông dân giảm chi phí sản xuất khoảng 2 triệu đồng đồng thời tăng thêm lợi nhuận từ 3 đến 4 triệu đồng so sản xuất bên ngoài nhờ được Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK bao tiêu với giá cao. Chưa kể, những lợi ích lớn lao khác về môi sinh, môi trường, an toàn cho sức khỏe con người...

Ngoài ra, việc thực hiện sản xuất lúa hữu cơ không sử dụng thuốc trừ sâu trong danh mục bị cấm được triển khai thực hiện hiệu quả, bà con ủng hộ không chỉ tăng thêm lợi nhuận cho nông dân mà còn giúp địa phương mở ra hướng liên kết doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị trên cây lúa đặc sản, tạo vùng nguyên liệu lúa sạch xuất khẩu vào những thị trường khó tính và tiến tới xây dựng thương hiệu "Gạo đặc sản Gò Công".

Nông dân Huỳnh Văn Triều, trú tại ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây vừa thu hoạch 7.000 m2 lúa giống VD 20 áp dụng mô hình “Sản xuất lúa hướng hữu cơ an toàn kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định châu Âu” trong vụ Đông Xuân 2021 – 2022.

Ông Triều phấn khởi vày tỏ: “Năng suất ruộng lúa của tôi đạt đến 80 tạ/ ha, giá bán 6.800 đồng/kg.Vụ này, gia đình tôi tính toán thu được trên 38 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 20 triệu đồng”.

Ông Huỳnh Văn Triều cũng cho biết thêm, tại ấp Thạnh Phú có tổng cộng 20 ha ruộng lúa của các hộ nông dân tham gia Tổ hợp tác sản xuất theo mô hình “Sản xuất lúa hướng hữu cơ an toàn kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định châu Âu”. Toàn bộ diện tích đến nay đã thu hoạch xong và ai cũng phấn khởi trong niềm vui trúng mùa, bội thu cũng như hiệu quả mang lại từ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho ra nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe và môi trường, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường khó tính trên toàn cầu.

Theo Giám đốc Mai Đức Tấn, từ thành công bước đầu, trước mắt, trong vụ Hè Thu 2022 tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Gò Công Tây tiếp tục phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK sẽ nhân rộng mô hình thêm 50 ha, nâng tổng diện tích sản xuất lúa hướng hữu cơ an toàn kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định châu Âu lên gần 200 ha.


Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm