Tiền Giang phát triển cây ăn trái bền vững

Tiền Giang phát triển cây ăn trái bền vững

Tiền Giang hiện có 82.353 ha diện tích vườn cây ăn trái với sản lượng 940.574 tấn cùng một số trái cây đặc sản có có lợi thế cạnh tranh, nhu cầu tiêu dùng lớn, đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong ngoài nước như thanh long, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc… Để cây ăn trái của Tiền Giang phát triển bền vững, địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp thích hợp để nâng cao được chuỗi giá trị của cây ăn trái cũng như đảm bảo được đầu ra ổn định trong tương lai.

Tiền Giang phát triển cây ăn trái bền vững ảnh 1Khách tham quan trái cây đặc sản trong Ngày hội trái cây năm 2023, tổ chức tại Tiền Giang . Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Tiềm năng xuất khẩu lớn

Kể từ khi Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 11/7/2022, giá loại trái này trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hầu như duy trì ở mức cao, giúp nông dân thu lợi nhuận lớn. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán năm 2023, giá sầu riêng lên "cơn sốt" khi tăng lên hơn 200.000 đồng/kg. Năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, giá bán sầu riêng dao động từ 100.000 - 190.000 đồng/kg, cao hơn năm 2021 từ 20.000 - 90.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, nhiều nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang thu được lợi nhuận từ 1 – 1,2 tỷ đồng/ha nên rất phấn khởi.

Theo ông Võ Văn Men, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang), sầu riêng đang là cây trồng đặc sản, có lợi thế cạnh tranh, là nguồn nông sản hàng hóa giá trị xuất khẩu lớn và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong số các cây trồng đặc sản của tỉnh Tiền Giang.

Tại xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Ngọc Tý có 5 công đã cho trái và 12,5 công mới được 1 năm tuổi. Theo ông Tý, sau khi trồng 5 năm, vườn sầu riêng cho trái mùa đầu tiên với năng suất trung bình khoảng 1 tấn/công. Lợi nhuận trung bình cho mỗi công sầu riêng được khoảng 100 triệu đồng/công/năm.

Ông Ngô Văn Sơn, canh tác 1 ha sầu riêng ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, năm qua, ông thu trên 20 tấn quả, bán trừ chi phí còn lãi không dưới 1,1 tỷ đồng. Từ một nông dân nhiều khó khăn, nhờ vào vườn sầu riêng, gia đình ông đã trở thành tỷ phú nông thôn.

Tiền Giang phát triển cây ăn trái bền vững ảnh 2Tham quan vườn thanh long ở xã Kiểng Phước (Gò Công Đông). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Đối với cây thanh long, tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 9.700 ha thanh long, tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Gạo. Cây thanh long từng giúp người nông dân ở các địa phương này đổi đời, vươn lên làm giàu, đồng thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, thời điểm từ năm 2019 trở về trước, mỗi ha trồng thanh long có thể thu về lợi nhuận trên 500 triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cho biết, qua thực tiễn cây thanh long thích nghi tốt ở cả 3 vùng đất trên địa bàn tỉnh gồm phù sa, mặn, phèn. Lợi nhuận thu được cao hơn 10 lần so với trồng lúa.

Điển hình như hộ gia đình ông Lê Văn Thủy (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) đã cùng với các xã viên của Hợp tác xã sản xuất thanh long Mỹ Tịnh An phát triển mô hình trồng thanh long leo giàn đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP mang lại nguồn lợi nhuận ổn định mỗi năm. Nhờ đó, gia đình ông đã mua thêm đất để mở rộng mô hình trồng thanh long theo kỹ thuật leo giàn theo hướng sản xuất hữu cơ, sinh học. Theo ông Thủy, mỗi năm mô hình trồng thanh long của gia đình ông thu về lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.

Từ đầu tháng 3/2023 đến nay, trái thanh long ở tỉnh Tiền Giang được thương lái mua ở mức giá từ 23.000-42.000 đồng/kg, giúp người trồng phấn khởi vì thu được lợi nhuận cao. Ông Nguyễn Văn Hưởng, ở ấp Quang Thọ, xã Qươn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang vừa bán được 5 tấn thanh long với giá 33.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí tiền điện xông đèn (kích thích ra hoa) và phân, thuốc bảo vệ thực vật khoảng 30 triệu đồng, ông còn hơn 165 triệu đồng lợi nhuận. Ông Hưởng phấn khởi cho biết, sau thời gian giá thanh long sụt giảm mạnh, với giá thanh long như hiện nay, nhà vườn trồng thanh long yên tâm tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn thanh long.

Tiền Giang phát triển cây ăn trái bền vững ảnh 3Khách tham quan trái cây đặc sản Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Giải pháp để phát triển bền vững cây ăn trái

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương định hướng phát triển cây ăn trái thành ngành hàng chiến lược hướng đến xuất khẩu, nâng cao chuỗi giá trị tăng thêm. Theo đó, địa phương ưu tiên phát triển các nhóm cây ăn trái có lợi thế cạnh tranh đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong ngoài nước theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh mang tính hàng hóa giá trị cao.

Nhằm nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh của địa phương, tỉnh Tiền Giang đang triển khai thực hiện các Đề án “Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025,” Dự án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang năm 2022, Dự án chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ xoài cát Hòa Lộc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, Đề án “Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”…

Tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 9.700 ha thanh long, trong đó có 2.306 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (110 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP). Hiện toàn tỉnh có 11 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ thanh long. Tại vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, huyện Chợ Gạo có 6.913 ha thanh long, trong đó có 5.700 ha thanh long đang cho trái.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng, để cây thanh long phát triển lâu dài và bền vững, địa phương định hướng và tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, các doanh nghiệp phối hợp với nhà vườn trồng thanh long tạo được sản phẩm có giá trị để tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như vượt qua những rào cản kỹ thuật của các hiệp định thương mại nhằm hướng đến những thị trường tiêu thụ lớn hơn thông qua con đường xuất khẩu chính ngạch. Ngoài ra, địa phương cũng kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đầu tư xây dựng những nhà máy sản xuất các sản phẩm chế biến đa dạng từ trái thanh long để góp phần giải quyết phần nào sản lượng trái thanh long khi vào mùa thu hoạch rộ.

Để phát triển bền vững ngành hàng cây ăn trái, tỉnh Tiền Giang đã và đang khẩn trương đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng cây ăn trái để hướng đến xuất khẩu trái cây.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến nay, mã số vùng trồng cây ăn trái đã được cấp 281 mã số với hơn 17.600 ha và 728 cơ sở được cấp mã số đóng gói; trong đó, mã số vùng trồng được cấp sang thị trường Trung Quốc là 127 mã số với 6 chủng loại cây trồng gồm: Thanh long, xoài, mít, dưa hấu, chuối và chôm chôm. Mã số vùng trồng được cấp sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand là 154 mã số, với 4 chủng loại cây trồng gồm thanh long, xoài, chôm chôm và vú sữa. Đây là bước đi tích cực của địa phương nhằm phát triển bền vững các vùng chuyên canh cây ăn quả xuất khẩu trong thời kỳ mới.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để việc cấp mã vùng trồng trái cây đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm, tăng cường công tác thiết lập đăng ký, kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói luôn được tỉnh quan tâm. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh là đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đồng thời, tiếp tục tiến hành kiểm tra, rà soát các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đã cấp trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát duy trì các diện tích cây ăn trái đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mở rộng hoặc cấp mới mã số vùng trồng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu chính ngạch.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang còn phối hợp cùng các ngành hữu quan tập trung đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh, hướng nông dân vùng chuyên canh cây ăn quả vào phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo tiêu chí an toàn VietGAP hoặc GlobalGAP… Từ đó hình thành các hợp tác xã liên kết doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu.

Theo thống kê, Tiền Giang hiện có 54 hợp tác xã thu hút gần 19.000 thành viên, 23 tổ hợp tác với gần 1.000 thành viên hoạt động trên lĩnh vực chuyên canh cây ăn quả đặc sản của địa phương. Các hợp tác xã đi đầu trong việc tập hợp nông dân, chuyển giao quy trình canh tác an toàn, truy xuất nguồn gốc theo hướng GAP liên kết sản xuất-tiêu thụ-xuất khẩu trái cây với các doanh nghiệp trong ngoài tỉnh.

Hữu Chí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm