Nông dân tỉnh Đồng Tháp thu hoạch cá tra phục vụ chế biến xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN |
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển “nóng” ấy, nghề nuôi cá tra luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến tính ổn định của sản xuất. Một trong những rủi ro gây thiệt hại lớn cho người nuôi là tình hình dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp.Cá giống kém chất lượng- dịch bệnh khó tránh Cao điểm nhất là lúc giao mùa, tỷ lệ cá nhiễm bệnh gia tăng, chiếm 25- 35% diện tích nuôi và nguyên nhân chủ yếu từ chất lượng con giống. Trong thời gian gần đây, do chạy theo lợi nhuận, một bộ phận không nhỏ cơ sở sản xuất giống cho cá đẻ nhiều lần trong năm, sử dụng số lượng cá bố mẹ hạn chế, không bảo đảm yêu cầu chất lượng, thậm chí cùng một lứa trong cùng một trại để sản xuất giống dẫn đến hiện tượng cận huyết, chất lượng giống kém, sức đề kháng yếu. Hậu quả là tỷ lệ chết trong ương, nuôi khá cao: từ cá bột lên cá hương, tỷ lệ hao hụt tới trên 80%, từ cá hương lên cá giống, tỷ lệ hao hụt tới 40- 50%. Bên cạnh đó, hầu như tất cả các vùng nuôi cá tra đều đã xuất hiện những loại bệnh phổ biến như xuất huyết, trắng mang, trắng gan và nhất là bệnh gan, thận mủ - gây tổn thất rất lớn cho nghề nuôi. Có những vùng nuôi, tỷ lệ cá tra nhiễm bệnh gần như tới 100%, tỷ lệ chết cao, có khi lên đến 50- 70% và nguy cơ lây lan thành dịch bệnh rất khó tránh nếu không có biện pháp phòng hữu hiệu. Đặc biệt khả năng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh này ngày càng cao do không phát hiện kịp thời và có hướng điều trị thích hợp, hiệu quả điều trị thấp, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh trong quá trình nuôi. Mặt khác, hiệu quả sử dụng thuốc kém sẽ làm tăng chi phí sản xuất, đồng nghĩa với lợi nhuận của người nuôi sẽ giảm. Các báo cáo thực tế cho thấy loại vi khuẩn kháng thuốc và các biện pháp chữa trị không thành công ngày càng phổ biến hơn. Theo kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học “Khảo sát tình hình bệnh gạo, gan thận mủ, xuất huyết trên cá tra nuôi thương phẩm tại Vĩnh Long và đề ra biện pháp phòng trị bệnh hiệu quả” do Chi cục Thủy sản thực hiện năm 2012, cho thấy 96,5% các chủng Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan thận mủ đã thể hiện kháng 3 loại kháng sinh thông thường là Trimethoprim, Oxytetracyline và Streptomycine, 3 loại kháng sinh khác như Flumequine, Oxolinic acid và Enrofloxacine cũng kém hiệu quả. Việc dùng kháng sinh trị bệnh cho cá tra thường tốn kém và hiệu quả không cao do khó xác định chính xác tình trạng sức khỏe của cả đàn cá nuôi để chẩn đoán và đề xuất phác đồ điều trị. Hơn nữa lượng tồn dư kháng sinh không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì thế, phòng bệnh là biện pháp kỹ thuật để ngăn ngừa hữu hiệu dịch bệnh xảy ra trên đối tượng thủy sản nuôi thâm canh nói chung và cá tra nói riêng. Trong các nỗ lực làm hạn chế dịch bệnh do vi khuẩn gây ra ở cá tra, biện pháp dùng vắc xin phòng bệnh được đánh giá là có hiệu quả kinh tế và môi trường.Tiêm phòng cho… cá tra Trên thế giới, vắc xin đã được sử dụng rộng rãi ở các vùng nuôi cá hồi công nghiệp thuộc các nước Bắc Âu, Chile, Canada, Mỹ, Nhật; các trang trại nuôi cá da trơn ở Mỹ; mô hình nuôi cá chẽm, cá rô phi ở Châu Âu hay các mô hình nuôi nhỏ ở Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha và Đức. Riêng ở Việt Nam, vắc xin Alpha Ject ® Panga 1 của Công ty Pharmaq (Na Uy) đã được Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) công bố cấp phép lưu hành kể từ ngày 10/4/2013. Đây là loại vắc xin dùng qua đường tiêm, bảo vệ cá tra chống lại vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan, thận mủ. Thành công của nghiên cứu này là bước đột phá và là công cụ hiệu quả trong việc giảm tổn thất do vi khuẩn E. ictaluri gây ra, đồng thời góp phần cải thiện sức khỏe cũng như gia tăng giá trị của cá tra. Từ năm 2006, Công ty Pharmaq triển khai đầu tư vào nghiên cứu và phát triển chế phẩm vắc xin Alpha Ject ® Panga 1 nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh gan thận mủ gây ra trên đàn cá tra nuôi và hiện nay đã được sử dụng trên quy mô thương mại ở vùng ĐBSCL. Các ưu điểm của việc sử dụng vắc xin Alpha Ject ® Panga 1 đã được chứng minh thông qua việc khảo nghiệm trong điều kiện phòng thí nghiệm do Trường Đại học Cần Thơ tiến hành và trong điều kiện thực tế trên đàn cá tra nuôi tại các ao nuôi thương phẩm dưới sự giám sát của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương 2. Đây là loại vắc xin đầu tiên cho cá tra do Công ty Pharmaq phát triển tại Châu Á và cũng là vắc xin cho cá đầu tiên được cấp phép ở Việt Nam- sự kiện đặc biệt không chỉ đối với ngành cá tra mà còn đối với ngành thủy sản Việt Nam nói chung. Thời gian qua, đã có nhiều giải pháp để quản lý dịch bệnh đã và đang được áp dụng như cải tạo ao kỹ, chọn giống tốt sạch bệnh, quản lý tốt môi trường, quan tâm đến dinh dưỡng, thuốc và hóa chất nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Vì vậy, việc sản xuất và sử dụng vắc xin để quản lý dịch bệnh có ý nghĩa rất lớn, là một bước tiến vượt bậc trong việc góp phần nâng cao chất lượng và thương hiệu cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. Những lợi ích rõ ràng trước mắt của việc tiêm vắc xin Alpha Ject® Panga 1 sẽ mang lại hiệu quả lâu dài cho tương lai ngành cá tra Việt Nam: (1) Tỷ lệ sống tăng lên do cá được bảo vệ trước dịch bệnh gan thận mủ; (2) Tăng lợi nhuận do cá khỏe mạnh, lớn nhanh, rút ngắn chu kỳ nuôi; (3) Cắt giảm chi phí dùng kháng sinh, hóa chất phòng trị bệnh, hạn chế nguy cơ kháng thuốc; (4) Loại bỏ nguy cơ kháng sinh tồn lưu trong cá và các hậu quả kèm theo trong xuất khẩu cá ra thị trường quốc tế. Việc sử dụng vắc xin không chỉ có lợi ích trực tiếp là ngăn chặn dịch bệnh gan thận mủ, mà còn có lợi ích gián tiếp làm giảm hệ số thức ăn (FCR), rút ngắn thời gian nuôi và tăng năng suất, nhờ không phải ngừng cho ăn để điều trị khi bệnh bùng phát trong quá trình nuôi. Ngay từ những ngày đầu đưa vào thử nghiệm, vắc xin Alpha Ject® Panga1 đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các doanh nghiệp và người nuôi cá. Một số đơn vị như Công ty TNHH MTV Hồng Mỹ (Đồng Tháp), vùng nuôi Công ty Gentraco, Hùng Vương... đã áp dụng loại vắc xin này trong sản xuất đại trà. Và ở Vĩnh Long, vùng nuôi của Công ty TNHH Phước Anh tại ấp Phước Lý (xã Quới Thiện- Vũng Liêm) là cơ sở nuôi cá tra đầu tiên của tỉnh đã sử dụng vắc xin này để phòng bệnh gan, thận mủ cho 5 triệu giống trong tháng 8. Đây là cơ sở nuôi cá tra tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong nuôi cá tra xuất khẩu ở Vĩnh Long. Tuy nhiên, theo phản ánh của người nuôi, chi phí 500đ cho mỗi liều vắc xin là khá cao so với hiệu quả tài chính của nghề nuôi cá tra hiện nay, khiến nhiều người nuôi, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ còn e ngại áp dụng. Do đó, giảm giá thành và nghiên cứu khả năng kết hợp cùng một loại vắc xin phòng nhiều bệnh khác nhau nên là hướng đi ưu tiên của nhà sản xuất sinh phẩm trong thời gian tới.
Trong những năm gần đây, diện tích nuôi cá tra liên tục tăng, và cá tra đã trở thành một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất trong ngành nuôi trồng thủy sản thế giới. Giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm 2018 đạt khoảng trên 2 tỷ USD, tăng trưởng trên 12% so với năm 2017.
Ảnh : vietlinh.vn