Hội thảo “Ngoại giao với hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông-châu Phi” . Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam nhấn mạnh, Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi từ lâu đã có truyền thống quan hệ hữu nghị tốt đẹp, là nền tảng để cùng thúc đẩy và phát triển quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thương mại, công nghiệp, đầu tư. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam cho rằng, sự hỗ trợ, gắn kết với các nước khu vực Trung Đông và châu Phi đang gia tăng, với hơn 1 tỷ dân, thị trường khu vực này có sức mua dồi dào nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa vươn tới thị trường này. Hội thảo diễn ra đúng vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động và các nước cần tăng cường hợp tác nhằm đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại, vì sự phát triển bền vững và lâu dài trong tương lai. Giới thiệu tiềm năng thị trường và cơ hội xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Nam Phi, Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam Mpetjane Kgaogelo Lekgoro cho biết, Nam Phi có một nền kinh tế nông nghiệp theo định hướng thị trường đa dạng bao gồm: lương thực-ngũ cốc, chăn nuôi, thịt đã sơ chế, nông sản chế biến. Nam Phi nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chủ yếu là lúa mỳ, thịt gà, dầu cọ, đậu tương... Nam Phi cũng nhập khẩu cá và thủy sản không xương sống, Việt Nam chiếm hơn 1% nhập khẩu của Nam Phi trong lĩnh vực này, điều đó chỉ ra rằng, có nhiều dư địa thương mại giữa hai nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam (phải) với các Đại sứ, đại biểu quốc tế dự hội thảo. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN |
Chỉ ra những thuận lợi và khó khăn trong xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Đông - châu Phi, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Văn Công cho biết, khu vực Trung Đông - châu Phi yêu cầu về an toàn thực phẩm chưa quá khắt khe cũng như ít đi kèm với các chứng nhận khác đối với sản phẩm trong nông nghiệp. Về khó khăn, hai bên chưa ký kết hiệp định thương mại tự do, thuế, hàng rào kỹ thuật chưa ổn định, không nhất quán. Bên cạnh đó, rủi ro thanh toán cao do có nhiều nhà nhập khẩu Trung Đông - châu Phi không có thói quen mở thư tín dụng. Riêng với châu Phi, có sự cạnh tranh quyết liệt do doanh nghiệp một số nước tại thị trường này chấp nhận bán hàng trả chậm, trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam thường yêu cầu thanh toán ngay, khiến nhiều đối tác chuyển hướng sang lựa chọn doanh nghiệp nước ngoài chấp nhận bán hàng trả chậm. Thông tin về tiềm năng xuất khẩu nông, thủy sản sang khu vực Trung Đông - châu Phi, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương Đỗ Quốc Hưng cho biết, khu vực Trung Đông - châu Phi bao gồm 70 quốc gia với dân số trên 1,6 tỷ người, có nhu cầu lớn về nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông, thủy sản do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, không có điều kiện nuôi trồng nông, thủy sản đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đây được coi là thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi Đỗ Quốc Hưng, trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Đông - châu Phi, mặt hàng gạo là mặt hàng xuất khẩu truyền thống, còn nhiều tiềm năng và tiếp tục là hàng xuất khẩu chủ đạo trong thời gian tới. Việc tiếp cận thị trường Trung Đông - châu Phi là giải pháp tốt cho việc tìm kiếm các thị trường mới cho hàng nông, thủy sản, tránh phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy nông, thủy sản sang khu vực Trung Đông - châu Phi, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi Đỗ Quốc Hưng đề xuất, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động xuất nhập khẩu nông, thủy sản của các doanh nghiệp. Việt Nam và các quốc gia Trung Đông-châu Phi cần nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ ký kết các thỏa thuận hợp tác về gạo, nông, thủy sản nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản. Hai bên tích cực thúc đẩy hợp tác song phương thông qua kênh Ủy ban hỗn hợp, giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Trung Đông - châu Phi. Việt Nam cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham dự hội chợ, triển lãm, đi khảo sát tìm kiếm đối tác ở thị trường Trung Đông - châu Phi, đầu tư quảng bá thương hiệu nông, thủy sản của Việt Nam tại các nước trong khu vực. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu cần thiết lập cơ chế hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông - châu Phi. Hai bên cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo ra nguồn thông tin phong phú, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về tiềm năng to lớn của thị trường của nhau. Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi kinh nghiệm, khuyến nghị đối với hoạt động xuất khẩu sang Trung Đông -châu Phi; vấn đề thanh toán trong hoạt động xuất khẩu; đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, đồng hành cùng doanh nghiệp…
Nguyễn Hồng Điệp