Tiến hành tiêu hủy lợn bệnh. Ảnh: TTXVN |
Theo đó, hộ chăn nuôi, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã (gọi là chủ chăn nuôi) có lợn mắc bệnh, lợn nghi mắc bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy để phòng, chống dịch bệnh động vật lây lan, kể cả khi xuất hiện dịch bệnh nhưng chưa được công bố dịch theo quy định của pháp luật, khi có lợn buộc phải tiêu hủy không nhất thiết phải đáp ứng điều kiện đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận khi bắt đầu nuôi lợn sẽ được hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn thịt, lợn con các loại; hoặc 65.000 đồng/kg hơi đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại do dịch bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi; chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, cấp cho UBND cấp xã để hỗ trợ kịp thời cho các chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu huỷ theo mức quy định tại quyết định nêu trên; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp đến các chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu huỷ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và mức quy định, dưới sự giám sát của người dân. Đồng thời, UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm xác định chính xác đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ cho từng đối tượng, chi trả, thanh, quyết toán kinh phí đúng đối tượng, đúng chế độ, không để thất thoát lãng phí và xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách. Thừa Thiên - Huế cũng vừa phát hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi thứ ba vào ngày 11/4, trên đàn lợn nuôi của gia đình ông Nguyễn Khóa (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) có 19/50 con lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy (gồm 6 lợn nái và 13 lợn thịt); số lợn còn lại đang được theo dõi chặt chẽ. Đây là ổ dịch thứ 3 được phát hiện tại Thừa Thiên - Huế trong thời gian gần đây. Trước đó, từ ngày 16-22/3, trên địa bàn xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) có 2 ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện. Đó là ổ dịch trên đàn lợn của gia đình ông Tạ Hồng Uẩn (thôn Hiền An, xã Phong Sơn) và ổ dịch trên đàn lợn rừng của Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Alba Thanh Tân (thôn Công Thành). Tổng cộng đã có 52 con lợn; trong đó, có 5 con lợn nái và 47 con lợn rừng tại 2 ổ dịch này đã được tiêu hủy. Từ khi phát hiện ra dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lập và duy trì hoạt động của 7 chốt kiểm dịch tả lợn, tổ chức lực lượng túc trực 24/24; đặc biệt là các chốt trên quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn huyện A Lưới, nơi có nhiều xe chở động vật thường xuyên qua lại. Tại chốt kiểm dịch động vật trên quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Phong Điền (nơi gần ổ dịch vừa mới xuất hiện), trung bình mỗi ngày có khoảng 15-20 chuyến xe chở lợn ở các tỉnh phía Bắc đi qua chốt kiểm dịch này. Bên cạnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nơi xuất hiện các ổ dịch, ngăn chặn không cho lây lan; tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu lợn chưa qua kiểm dịch; đồng thời, khuyến cáo người dân không nên "quay lưng" với thực phẩm thịt lợn sạch. Trước đó, giá thịt lợn ở các chợ có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng từ 11/4 đến nay, khi xuất hiện thêm ổ dịch thứ 3, người tiêu dùng lại dè chừng với loại thực phẩm này. Tiểu thương ở các chợ cho biết, họ rất khó bán và bán rất chậm thịt lợn. Thậm chí, một số quán bún bò ở Huế che chữ "giò heo" trong bảng hiệu "bún bò giò heo"...
Quốc Việt