Thoát nghèo từ những mô hình sản xuất hiệu quả

Thoát nghèo từ những mô hình sản xuất hiệu quả
Ông Nguyễn Văn Tám, ở ấp 7, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, không chỉ được biết đến là một trưởng ấp gương mẫu, mà còn đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi, với mô hình nuôi heo sinh sản. Theo ông Tám, ông đã áp dụng mô hình hơn 7 năm, mỗi năm, từ 2 con heo nái cho sinh sản khoảng 4 lần, mỗi lần từ 13 con trở lên và bán trên 1 triệu đồng/heo con, thu lợi nhuận trên 50 triệu đồng. Để đạt hiệu quả cao, đảm bảo đầu ra, cũng như mang về nhiều lợi nhuận, ông Tám luôn cho heo sinh sản xoay vòng. Đồng thời, nắm rõ đặc tính heo con rất dễ bị bệnh đường ruột, nên ông chăm sóc rất kỹ và cho heo con ăn đúng theo chế độ và hợp lý. Quan trọng là ông hái rau dừa để phụ thêm, vì rau dừa rất có lợi cho đường ruột của heo con.


Mô hình trồng rau màu của bà Nguyễn Thị Thiệp, ở ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy.
Mô hình trồng rau màu của bà Nguyễn Thị Thiệp, ở ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy.

Cầm giấy khen của UBND huyện Vị Thủy vừa trao tặng, ông Tám tấm tắc chia sẻ: “Từ khi áp dụng mô hình nuôi heo sinh sản kết hợp với làm ruộng, đời sống gia đình tôi được cải thiện lên rõ rệt. Đồng thời, tôi lấy mô hình đó để vận động bà con làm theo vươn lên thoát nghèo”. Tới đây, ông dự định sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi heo sinh sản và tiến xa hơn sẽ nuôi heo thịt, kết hợp nuôi gà, ngỗng thả vườn để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Còn ông Trần Văn Cậy, ở ấp 2, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cũng thành công với mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Theo ông Cậy, trước đây gia đình khó khăn, đất canh tác ít nên áp dụng nhiều mô hình để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, nhưng tất cả kết quả đạt được không như mong muốn. Mãi đến tháng 5-2014, ông được Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ kỹ thuật nên đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Qua hơn một năm nuôi, với diện tích khoảng 13.000m2, thu hoạch được 2 vụ tôm, bán với giá khoảng 200.000 đồng/kg, trừ hết tất cả các chi phí, lợi nhuận mang về cho gia đình ông gần 100 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Cậy cho biết: “Lúc nuôi tôm, tôi ăn ngủ không yên, nhưng không ngờ khi thu hoạch lại mang về lợi nhuận rất bất ngờ, cao hơn lúa gấp 3 lần. Cũng từ sự thành công bước đầu, đã làm cho cuộc sống gia đình tôi nâng lên đáng kể”. Khi nuôi, ông Cậy luôn chuẩn bị tốt về kỹ thuật nuôi như: làm ao sạch, đắp bờ ao kiên cố, loại bỏ những tạp chất, cá tạp trong ao, rồi tiến hành thả tôm giống, mật độ thả tôm khoảng 120.000 con/ha, với mực nước hơn 1m. Sau 2 tháng nuôi, ông phải lọc bỏ những con cái để nuôi những con đực, làm như thế tôm sẽ lớn đồng loạt. Đặc biệt, thời gian nuôi tôm càng xanh thích hợp nhất là vào khoảng tháng 2 (âm lịch), bởi lúc đó, nước trong rất thích hợp cho tôm phát triển và ít bị bệnh.

Tương tự, trường hợp của hộ chị Nguyễn Thị Thiệp, ở ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, cũng thoát nghèo và nuôi hai con ăn học thành tài là nhờ vào mô hình trồng rau màu kết hợp với làm ruộng. Chị Thiệp tâm sự: “Gia đình tôi có 6 công đất ruộng, làm vụ trúng vụ thất, nên không đủ lo cho 4 nhân khẩu trong nhà. Đặc biệt là việc xoay xở tiền cho hai con ăn học đến nơi, đến chốn là không thể. Vì thế, tôi tận dụng khoảng 1 công đất vườn gần nhà, cải tạo trồng trầu một thời gian rồi chuyển sang trồng rau màu phụ thêm”. Có thể nói, chính nhờ kết hợp lúa - màu quanh năm mà gia đình chị dần cải thiện đời sống, mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày chị không còn lo lắng như trước. Được biết, rau thơm là loại cây rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít tốn phân bón, nhưng hiệu quả kinh tế lại rất đáng kể. Mỗi năm từ 1 công đất trồng rau thơm của chị thu hoạch nhiều lần, mỗi lần cắt dứt điểm khoảng 500kg rau, bán với giá 15.000 đồng/kg, thu về trên 5 triệu đồng, thường thì thương lái ở các chợ huyện đến tận nhà thu mua.

Bà Trần Hồng Tim, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Vị Thủy, đánh giá: “Nhờ áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp mà không ít bà con đã thoát nghèo, thậm chí có thể vươn lên làm giàu. Để thực hiện những mô hình tăng thêm hiệu quả, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tiếp tục nhân rộng các mô hình thành công, tạo điều kiện cho bà con đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm; không ngừng hỗ trợ kỹ thuật, công tác quản lý và giúp người dân lựa chọn cây, con giống tốt để mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, người dân có thể áp dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất, nhưng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như tăng cường công tác quảng bá sản phẩm địa phương bằng mọi hình thức nhằm thu hút thương lái, doanh nghiệp đến thu mua, tạo sự ổn định đầu ra cho sản phẩm để người dân yên tâm hơn trong việc áp dụng theo mô hình sản xuất điểm”.

Từ khi áp dụng Chương trình Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia năm 2002 đến nay, huyện Vị Thủy đã xây dựng thành công 150 mô hình, bao gồm: mô hình chăn nuôi heo sinh sản, lúa - màu, lúa - thủy sản,… thu về lợi nhuận từ 50-100 triệu đồng/hộ/năm, góp phần đưa đời sống người dân ngày một nâng cao.
 
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm