Chỉ có gần 3 sào ruộng trồng lúa nước, quanh năm phải đi làm thuê nên gia đình bà Nguyễn Thị Chanh ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) từng thuộc diện hộ nghèo. Năm 2022, bà Chanh được vay vốn để chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.
Chăm chỉ, chịu khó, tuân thủ đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên đến nay, bà Chanh có 1 ha dâu. Vụ tằm năm 2023, qua 12 vòng kén, bà Chanh thu về 66 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Vụ Xuân năm 2024, qua 3 vòng tằm, bà Chanh có lãi hơn 30 triệu đồng và tự viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo.
Ông Trần Ngọc Thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trấn Yên cho biết, toàn huyện có 999 ha dâu, 1.553 hộ trồng dâu, nuôi tằm thuộc 15 xã, thị trấn; 25 cơ sở nuôi tằm con tập trung và 1.377 hộ có nhà nuôi tằm lớn. Với giá kén tằm (kén trắng) dao động từ 150.000 - 210.000 đồng/kg, sản lượng 3 tháng đầu năm đạt 215,8 tấn, tổng giá trị ước đạt trên 35 tỷ đồng.
Để nâng cao giá trị sản xuất, huyện Trấn Yên sẽ vận động người dân mở rộng diện tích trồng các giống dâu mới; áp dụng kỹ thuật nuôi và chăm sóc tằm như: nuôi trên khay trượt, nuôi trong nhà lạnh…; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ dâu tằm, kén tằm...
Tuấn Anh