Nghề trồng dâu nuôi tằm có lịch sử lâu đời ở Việt Nam, nhưng chỉ mới du nhập vào Gia Lai từ năm 2018. Sau hơn 5 năm bám rễ, nghề này đã tạo ra nguồn thu nhập cao cho hàng trăm hộ dân; trong đó có nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo ông Trịnh Đình Hoá, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dâu tằm Minh Hóa (huyện Chư Sê), hiện đã có hơn 500 hộ dân ở các huyện Chư Sê, Ia Grai, Đak Đoa, Chư Prông, Krông Pa tham gia nghề trồng dâu nuôi tằm với sản lượng kén tằm khoảng 40 tấn/năm. Qua thực tế chứng minh, nghề trồng dâu nuôi tằm có nhiều ưu điểm hơn so với các loại cây trồng khác như đầu tư ban đầu thấp, dễ chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn, thu nhập cao và ổn định.
Việt Nam hiện chỉ chiếm chưa đầy 1% thị trường dâu tằm thế giới, do đó rất có nhiều tiềm năng để phát triển. Trong khi điều kiện địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng và nét đặc trưng của Gia Lai rất thuận lợi cho nghề này bám rễ và mở rộng. Ngoài ra, giá cả thu mua kén tằm cũng luôn ở mức cao từ 120.000-180.000 đồng/kg là yếu tố quan trọng khuyến khích người dân gắn với nghề này.
Nghề trồng dâu nuôi tằm không chỉ phù hợp với người Kinh mà còn thu hút sự tham gia của đông đảo đồng bào thiểu số, đặc biệt là người Jrai. Hầu hết họ đều cho rằng, nghề này không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn góp phần thay đổi nếp nghĩ cách làm trong cộng đồng đồng bào thiểu số.
Ông Rơ Lan Diếp, trú tại làng Bạc Kuao, xã Ia Băng, huyện Chư Sê là một trong những hộ dân người Jrai đầu tiên bén duyên với nghề trồng dâu nuôi tằm mới mẻ này. Ông Diếp chia sẻ, vào giữa năm 2022, thấy vợ chồng gia đình anh Kpăh Thuy cùng làng nuôi tằm thành công, gia đình ông đã đến học hỏi.
Được sự chỉ dẫn nhiệt tình từ anh Kpăh Thuy, ông Diếp quyết định chặt bỏ diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả để chuyển sang trồng dâu và nuôi tằm. Mặc dù đợt nuôi đầu tiên thất bại nhưng gia đình ông không nản chí tiếp tục mua con giống về nuôi và đã thành công, cho thu nhập được gần 6 triệu đồng. Nghề này rất phù hợp với người lớn tuổi như ông.
Anh Kpăh Thuy, người đã truyền lửa cho ông Diếp chia sẻ về nghề trồng dâu nuôi tằm: "Sau khi đi làm thuê cho một số hộ người Kinh trong vùng, được họ hướng dẫn kỹ thuật cộng với học hỏi thêm trên mạng internet, tôi đã bắt đầu nuôi tằm từ năm 2018. Nuôi tằm chi phí đầu tư thấp hơn trồng cà phê nhưng lợi nhuận lại cao hơn. Hai năm nay, vợ chồng tôi không chỉ trả hết nợ mà còn tích góp được thêm vốn để đầu tư máy móc phục vụ trồng dâu nuôi tằm. Tôi rất vui khi thấy nhiều người trong làng theo nghề này, từ đó có cuộc sống cải thiện hơn".
Không chỉ ở xã Ia Băng, nhiều hộ dân ở các địa phương khác của huyện Chư Sê cũng đã chọn nghề trồng dâu nuôi tằm để cách mạng làm giàu. Đơn cử như gia đình ông Phạm Văn Hùng, trú làng Khối Jố, xã Ia Tiêm, nhiều năm trước đây làm nghề cơ khí nhưng đã quyết định chuyển hướng sang trồng dâu nuôi tằm từ giữa năm 2021. Hiện mỗi năm, gia đình ông Hùng đều thu nhập khoảng 1 tỷ đồng từ trồng dâu nuôi tằm.
Theo ông Hùng, sau khi nhận thấy hiệu quả mang lại từ mô hình trồng dâu nuôi tằm rất cao, gia đình ông đã quyết định chuyển đổi qua nghề này trên quy mô lớn. Ban đầu, gia đình ông đầu từ gần 600 triệu đồng để thuê đất trồng dâu, mua con giống và thiết bị phục vụ nuôi tằm. Đến năm 2023, gia đình ông đã trồng tới 4 ha dâu và liên tục nuôi tằm xoay vòng trong năm. Vụ gần đây nhất, ông nuôi 6 hộp tằm cho thu nhập 100 triệu đồng tiền bán kén.
“Mới đây, lãnh đạo huyện Chư Prông đã đến tham quan mô hình của gia đình ông để định hướng vận động người dân tộc thiểu số trên địa thay đổi nếp nghĩ cách làm, tăng thu nhập. Bản thân ông cũng động viên láng giềng, bạn bè chuyển sang trồng dâu nuôi tằm vì hiệu quả kinh tế cao” - ông Hùng cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê, nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn hình thành vào khoảng cuối năm 2018. Bình quân mỗi hộ có thể nuôi 2 lứa tằm mỗi tháng, với giá kén được thu mua dao động từ 120.000-170.000 đồng/kg, trung bình mỗi hộ có lãi 4 triệu đồng/sào sau khi trừ chi phí.
“Trên địa bàn huyện Chư Sê hiện có 3 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ dâu tằm với quy mô hơn 100 ha; trong đó có nhiều nhóm hộ là người dân tộc thiểu số tham gia. Đây là tín hiệu tích cực giúp thay đổi nếp nghĩ cách làm trong vùng đồng bào thiểu số, từng bước cho thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Thời gian tới, Chư Sê sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng với các hộ dân tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ở tất cả các khâu và chú trọng xây dựng vùng sản xuất dâu tằm ứng dụng công nghệ cao.” - ông Hợp khẳng định.
Nghề trồng dâu nuôi tằm đang dần trở thành một nghề mới đầy tiềm năng, không chỉ hứa hẹn giúp người dân Gia Lai nâng cao thu nhập, mà còn góp phần giảm phụ thuộc vào các loại cây công nghiệp dài ngày và tạo ra những sản phẩm có giá trị cao như lụa tằm.
Hoài Nam – Xuân Huy