Thoát nghèo nhờ mô hình nuôi giun quế ở Thanh Hóa

Thoát nghèo nhờ mô hình nuôi giun quế ở Thanh Hóa

Với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Phạm Văn Tỉnh (sinh năm 1982), xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thành công mô hình nuôi giun quế để vươn lên làm giàu. Mô hình này hiện đang cho thu nhập 500 triệu/năm, tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Sinh ra trong gia đình nhà nông nghèo, học xong Trung học phổ thông, anh Phạm Văn Tỉnh nhập học khoa Sư phạm hóa học của Trường Đại học Hồng Đức và sau khi tốt nghiệp phải đi làm thuê nhiều nơi để kiếm sống. Tuy nhiên, số tiền kiếm được vẫn không đủ để trang trải cho cuộc sống. Năm 2008, anh quyết định về quê khởi nghiệp bằng sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi tại nhà, nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Tình cờ anh Tỉnh đọc một bài báo viết về mô hình nuôi giun quế đem lại thu nhập tiền tỷ mỗi năm và anh đã quyết tâm khởi nghiệp bằng mô hình này để thoát nghèo. Khởi đầu gian nan do vốn không có nên anh phải vay ngân hàng 200 triệu đồng để xây chuồng và mua con giống. Để bắt đầu nuôi giun quế trên mảnh vườn 300 m2 của gia đình, anh cũng đấu mối với một trang trại bò sữa quy mô lớn ở gần nhà để có nguồn phân bò về nuôi giun quế.

  
Thoát nghèo nhờ mô hình nuôi giun quế ở Thanh Hóa  ảnh 1 Anh Phạm Văn Tỉnh với mô hình nuôi giun quế. Ảnh: laodong.vn

Theo anh Tỉnh, mô hình nuôi giun quế có thể tận dụng được nguồn phân của động vật nuôi và hạn chế ô nhiễm môi trường bởi đây là nguồn thức ăn giàu đạm. Đối với vật nuôi, khi được ăn giun sẽ sinh trưởng và phát triển tốt lớn. Bên cạnh đó, nuôi giun quế sẽ cùng lúc cho ra nhiều sản phẩm. Từ phân bò sẽ cho ra giun quế làm thức ăn cho cá, tôm, ngoài ra còn thu hoạch được phân hữu cơ để trồng rau an toàn.

Nhờ nắm vững ứng dụng kỹ thuật mới trong chăn nuôi nên sản phẩm giun quế của anh Tỉnh đã có thể xuất bán lứa đầu tiên sau gần 6 tháng chăn nuôi. Tuy nhiên, do chưa có thị trường tiêu thụ nên anh Tỉnh gặp nhiều khó khăn và phải đi khắp nơi để tìm kiếm thị trường.

Năm 2012, nhờ những nỗ lực vượt khó, một số trang trại nuôi tôm và trồng rau hữu cơ bắt đầu tìm đến anh để đặt hàng mua giun quế. Đến nay, sản phẩm giun quế và phân hữu cơ do anh Tỉnh sản xuất đã được bán cho các trang trại chăn nuôi tôm, cá trên địa bàn toàn quốc. Sản phẩm từ giun quế ở trang trại anh rất đa dạng, gồm giun tươi, giun khô, phân hữu cơ...

Hiện trang trại nuôi giun quế của anh đã được mở rộng lên 5.000 m2, mỗi năm sản xuất 2 vụ, anh bán giun quế tươi với giá 35.000-40.000 đồng/kg, giun khô 200.000-300.000 đồng/kg, thu lãi 500 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, anh cũng bao tiêu các sản phẩm từ giun quế cho 15 trang trại của người dân ở địa phương. Sau khi thu hoạch giun quế anh còn thu về sản phẩm phân hữu cơ để cung cấp cho các nhà vườn làm rau sạch, trồng cây xanh.

Thoát nghèo nhờ mô hình nuôi giun quế ở Thanh Hóa  ảnh 2Để có thành công như ngày hôm nay, anh Phạm Văn Tỉnh đã lặn lội đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường. Ảnh: laodong.vn

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, anh Tỉnh cho biết, sẽ kết hợp nuôi lươn không bùn để chủ động đầu ra cho con giun thương phẩm và thực hiện hiệu quả mô hình nuôi lươn nhằm tăng thêm thu nhập. Đồng thời, giúp người dân quanh vùng có nhu cầu học hỏi, chuyển giao kỹ thuật mới trong sản xuất để giảm nghèo tại địa phương.

Theo ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn, anh Phạm Văn Tỉnh là gương điển hình và đi đầu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp ở địa phương. Hiện mô hình nuôi giun quế của anh không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế tốt nhờ liên kết chăn nuôi với anh Tỉnh. Thời gian tới, địa phương sẽ nhân rộng mô hình này để các hộ dân trên địa bàn thực hiện theo, qua đó có thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm