Phát huy ý chí, tinh thần, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cần cù trong lao động, hội viên Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Nam đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Nuôi giun quế bằng rác thải hữu cơ”. Nhờ mô hình này, nhiều cựu chiến binh từng bước vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành điển hình trong phong trào “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi” tại địa phương.
Năm 2019, gia đình ông Đỗ Đức Hiển ở thôn Phúc Nhị, xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm, là một trong những hộ gia đình hội viên cựu chiến binh đầu tiên của xã hưởng ứng thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh nuôi giun quế bằng rác thải hữu cơ. Sau nhiều ngày tập huấn, tìm hiểu, học tập, trải nghiệm, ông Đỗ Đức Hiển mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, con giống để ứng dụng vào thực tế. Với nguồn kinh phí ban đầu dưới 10 triệu đồng, sau hai năm gia đình ông đã thành công khi tạo được nguồn thu nhập ổn định, giúp đỡ gia đình ông trang trải cuộc sống. Theo ông Hiển, việc nuôi giun quế rất đơn giản, phù hợp với tình hình sức khỏe của ông. Hằng ngày, rác thải hữu cơ của gia đình được phân loại và sử dụng để làm thức ăn cho giun, sau đó dùng giun nuôi làm thức ăn cho gà, vịt, ngan, chim cảnh, cá cảnh, làm mồi câu cá. Chất thải của giun được dùng làm phân bón cho cây trồng, cải tạo đất.
Đối với những cựu chiến binh như ông Đỗ Đức Hiển, khi đã có tuổi thì việc lựa chọn được mô hình phát triển kinh tế không đơn giản. Vì thế khi tìm hiểu và biết được việc nuôi giun quế bằng rác thải hữu cơ là hình thức chăn nuôi nhỏ phù hợp, ông đã áp dụng cho gia đình, sau đó nhân rộng ra cho các cựu chiến binh khác. Mô hình này không chỉ giúp các cựu chiến binh phát triển kinh tế, mà còn chia sẻ với xã hội để giữ sạch môi trường, tích cực phân loại rác thải sinh hoạt.
Gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Biên, thôn Hoàng Mai Yên, xã Liêm Phong, Thanh Liêm, Hà Nam, thuộc diện khó khăn trong xã. Thu nhập của gia đình lâu nay chỉ trông chờ vào việc làm nông đơn thuần, không có nghề nào để kiếm thêm thu nhập ngoài các sào ruộng khoán. Vì thế, được sự giúp đỡ của các cấp Hội Cựu chiến binh, các đồng đội, ông đã chủ động thực hiện hình thức nuôi giun quế bằng rác thải hữu cơ. Ông đầu tư hơn 10 triệu đồng mua đầy đủ dụng cụ cần thiết về nuôi giun quế. Sản phẩm không chỉ phục vụ gia đình ông trong chăn nuôi, trồng trọt, mà được các công ty trên địa bàn thu mua, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Ông Nguyễn Văn Biên vui mừng cho biết: Hiệu quả của mô hình này rất cao, nguồn vốn đầu tư ban đầu không nhiều nhưng sử dụng được cho lâu dài. Ông tự tin truyền đạt kinh nghiệm và phương pháp cho những cựu chiến binh khác trong tỉnh Hà Nam cùng thực hiện.
Mô hình nuôi giun quế bằng rác thải hữu cơ được Hội Cựu chiến binh huyện Thanh Liêm triển khai trong các cấp Hội từ năm 2019. Từ 3 xã triển khai thí điểm là Thanh Phong, Liêm Phong và Thanh Tân, đến nay trên địa bàn huyện đã có 7 xã với 120 hộ nuôi giun quế bằng rác thải hữu cơ. Thực tế cho thấy, việc nuôi giun quế không mất nhiều thời gian, dễ chăm sóc, không dịch bệnh, chi phí làm chuồng trại, giống vốn ban đầu thấp nhưng cho hiệu quả cao. Hiện nay, Hội Cựu chiến binh huyện Thanh Liêm cũng đang triển khai thí điểm mô hình nuôi giun quế trong tháp rau hữu cơ, góp phần tạo nguồn rau sạch các hộ gia đình dùng và bán ra thị trường. Hiệu quả của việc thực hiện mô hình được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, góp phần xử lý được nguồn rác thải hữu cơ trên địa bàn. Đồng thời, các công ty trên địa bàn cũng đã thu mua sản phẩm của người dân, tạo nguồn ra ổn định, mang chiến lược lâu dài cho mô hình.
Ông Lại Đức Thành, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Thanh Liêm cho biết thêm: Ban đầu, chỉ thực hiện mô hình rải rác ở một vài hộ trong chi hội, nhưng lại thu được hiệu quả kinh tế cao nên Hội khuyến khích, động viên nhiều người cùng thực hiện ở cả 5 chi hội trên toàn huyện. Hiện nay, mô hình này thực sự giúp ích về mặt kinh tế cho hội viên, cải thiện môi trường sống, đặc biệt là giải quyết vấn đề rác thải.
Từ mô hình nuôi giun quế bằng rác thải hữu cơ của Chi hội Cựu chiến binh huyện Thanh Liêm, Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Nam đã quyết định nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh với trên 400 mô hình trên tất cả các xã trong tỉnh, tạo phong trào cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Nam khẳng định: Các cựu chiến binh khi trở về cuộc sống đời thường luôn mong muốn cải thiện kinh tế, nâng cao đời sống gia đình. Mặc dù còn có nhiều khó khăn, hạn chế về sức khỏe nhưng họ rất tâm huyết và giàu nghị lực. Vì thế, khi có những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Nam luôn tạo điều kiện tốt nhất, đặc biệt là hỗ trợ vốn vay, phương pháp, tìm đầu ra cho sản phẩm… để các cựu chiến binh thực hiện. Từ hoạt động giúp nhau làm kinh tế, Hội Cựu chiến binh các cấp đã huy động, tập hợp được hội viên tham gia xây dựng tổ chức Hội trong sạch vững mạnh, thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đại Nghĩa