Mô hình nuôi giun quế của gia đình bà Đoàn Thị Gấm (xóm 5, xã Hải Sơn) cho thu nhập hơn 80 triệu đồng/năm. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN |
Hải Sơn là xã thuần nông, người dân địa phương bao đời nay chỉ biết trông vào vài sào ruộng. Trước đây, do vốn đầu tư vào con giống, nhất là tiền chi phí mua thức ăn lớn trong khi rủi ro do dịch bệnh khá cao nên người dân nơi đây không chú trọng nhân đàn, phát triển chăn nuôi. Các hộ chủ yếu nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, mỗi nhà nuôi vài chục con gà, ngan, vịt. Trong điều kiện địa phương không có nghề phụ nên hết vụ, đa số người dân trong xã, nhất là phụ nữ lại đi làm thuê thời vụ. Công việc ngày càng ít, thu nhập không ổn định.
Từ thực tế đó, cộng với quyết tâm tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng, năm 2013, Hội Phụ nữ xã Hải Sơn đã tổ chức cho các hội viên đi thăm quan, học hỏi mô hình nuôi giun quế tại tỉnh Phú Thọ. Đây là phương thức chăn nuôi mới, sử dụng giun làm thức ăn cho một số loại vật nuôi, giảm chi phí đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt phương thức chăn nuôi này dễ áp dụng, phù hợp với điều kiện ở vùng nông thôn.
Nhận thấy những lợi ích của mô hình nuôi giun quế đối với phát triển kinh tế, 11 hội viên phụ nữ xã Hải Sơn đã mua con giống và vận dụng kiến thức, kinh nghiệm học được để phát triển kinh tế gia đình.
Là một trong những thành viên tham gia đoàn học tập, nghiên cứu mô hình nuôi giun quế tại tỉnh Phú Thọ, chị Trần Thị Len cho biết, có thể nuôi giun trong hố đất, nuôi trong thùng xốp, hộp gỗ hoặc nuôi trong bể xây. Tuy nhiên, nuôi giun theo kiểu đắp luống trên mặt đất là thích hợp nhất đối với điều kiện nông thôn.
Người nuôi chỉ cần chọn nơi cao ráo, làm luống nuôi cao khoảng 0,3m, rộng 1m, dài từ 2-4m tùy điều kiện thực tế của các hộ. Xây bao quanh luống để ngăn phân tràn ra ngoài. Trên luống cần có mái che cách mặt luống khoảng 1m; xung quanh có rãnh thoát nước. Thả giun giống vào luống để cho giun chui xuống hết sau đó dùng doa tưới ẩm nhẹ lên luống nuôi. Hàng ngày theo dõi đối tượng nuôi và thường xuyên tưới ẩm mặt luống; mật độ thả quyết định đến năng suất, chỉ thả khoảng 9 - 12 kg giun giống sinh khối/m2.
Chị Len chia sẻ, giun thường có tập tính sống trong môi trường tối. Do đó phải che phủ tạo bóng tối để giun lên mặt luống ăn thức ăn và giao phối sinh sản cả ngày lẫn đêm. Những ngày hanh, khô nóng phải tưới mát cho giun, giữ độ ẩm thích hợp trong luống nuôi khoảng 70%. Sau khi thả giun giống 1 - 2 ngày thì bắt đầu cho giun ăn. Các loại thức ăn của giun là phân trâu, bò, lợn, dê, thỏ, hoặc thức ăn là rác thải hữu cơ đã được ủ hoai mục.
Trong quá trình sinh trưởng, phát triển, giun sẽ phân hủy phân và làm mất mùi hôi thối góp phần cải thiện môi trường nông thôn. Nếu giun phát triển tốt, khoảng hơn 1 tháng sau sẽ cho thu hoạch để sử dụng hoặc bán làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Các hộ ít vốn vẫn có thể áp dụng mô hình nuôi giun vì ngoài tiền giống, nuôi giun không mất thêm chi phí.
Gia đình chị Đoàn Thị Gấm ở xóm 5, xã Hải Sơn nuôi khoảng 50m2 giun. Hàng tháng, ngoài việc tận dụng giun để chăn nuôi, chị còn bán giun cho người dân trong huyện và các tỉnh Thái Bình, Hà Nam phục vụ chăn nuôi. Bình quân 1kg giun thành phẩm có giá 10.000 đồng; giun giống là 100.000 đồng/1kg. Mỗi tháng, thu nhập từ bán giun mang lại cho gia đình chị Gấm gần 10 triệu đồng.
Bà Đoàn Thị Gấm (xóm 5, xã Hải Sơn) sử dụng giun quế làm thức ăn cho vật nuôi thay thế thức ăn công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Lành – TTXVN |
Theo các kỹ sư ở các trung tâm giống cây trồng, con nuôi, giun tươi được coi là thức ăn dinh dưỡng của các loại vật nuôi bởi hàm lượng Protein thô trong giun chiếm 70%, tương đương với bột cá, bột đậu tương dùng làm thức ăn công nghiệp. Do đó, người dân sử dụng giun cho vật nuôi ăn thì sản phẩm thịt lợn, cá cho chất lượng cao, thịt thơm ngon hơn. Không những thế, với gà, vịt, năng suất trứng tăng từ 17 - 25%; tỷ lệ mắc các loại bệnh dịch giảm so với việc chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp.
Nhờ hiệu quả từ mô hình nuôi giun quế nên ngày càng nhiều hộ dân tại xã Hải Sơn phát triển đàn gia súc, gia cầm, nuôi lợn theo quy mô lớn, có những hộ nuôi cả nghìn con gà, vịt cho thu nhập cao.
Gia đình chị Hoàng Thị Thượi ở xóm 4, xã Hải Sơn trước đây chỉ nuôi vài chục con gà phục vụ nhu cầu làm thực phẩm cho gia đình nhưng từ khi nuôi giun, gia đình chị đã nuôi hơn 200 con gà, vịt, gia đình chị hoàn toàn sử dụng giun làm thức ăn cho vật nuôi nên không tốn chi phí thức ăn chăn nuôi. Nhờ đó, mỗi năm, chỉ tính riêng tiền bán gà, vịt, trứng, gia đình chị đã thu về 40 triệu đồng.
Để tạo bước phát triển mới trong chăn nuôi, giúp nhau phát triển kinh tế, tháng 5/2016, Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định chính thức ra mắt tổ liên kết nuôi giun quế trong chăn nuôi và trồng trọt tại xã Hải Sơn có 25 thành viên tham gia. Các thành viên đóng cổ phần để duy trì hoạt động và tạo nguồn vốn cho các hội viên có nhu cầu vốn vay phát triển kinh tế với lãi suất thấp, 1%/tháng. Cùng với đó, Hội Phụ nữ phối hợp với Trung tâm phát triển cộng đồng Minh Việt (Hà Nội) hỗ trợ tổ chức cho vay vốn và tập huấn cách làm chuồng trại, kỹ thuật nuôi giun, biện pháp phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Hội Phụ nữ cũng đã giúp các hội viên xây dựng kế hoạch chăn nuôi, nhân rộng diện tích nuôi giun sử dụng làm thức ăn cho vật nuôi…
Đánh giá về tổ liên kết nuôi giun quế trong chăn nuôi và trồng trọt tại xã Hải Sơn, lãnh đạo Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định khẳng định: Tổ liên kết đã đáp ứng yêu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi tại các địa phương trong tình hình mới. Từ mô hình này, đến nay, trên địa bàn huyện Hải Hậu đã có 7 nhóm phụ nữ liên kết nuôi giun quế, với trên 120 thành viên tham gia tại 11 xã, thị trấn, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm.
Nuôi giun quế theo chuỗi sản xuất gắn với chăn nuôi và trồng trọt, sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp và phân thải làm thức ăn cho giun cũng đã hạn chế việc thải rác ra môi trường, cải thiện môi trường nông thôn. Hơn nữa sử dụng giun làm thức ăn cho vật nuôi còn hướng tới sản phẩm thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn - xu hướng đang được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn.
Nuôi giun quế kết hợp với chăn nuôi cũng mang lại giá trị kinh tế, thu nhập cao cho các hộ dân nông thôn. Nhiều hội viên phụ nữ tại xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu từ chỗ hoàn cảnh kinh tế khó khăn không những đã vươn lên thoát nghèo mà còn trở thành triệu phú làng quê với thu nhập từ chăn nuôi lên tới cả trăm triệu đồng mỗi năm. Phát triển mô hình liên kết này còn tạo việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động nữ tại địa phương.