Huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) là địa phương có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Nhằm giúp người dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức và có tư duy về phát triển kinh tế, huyện Đăk Glei đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, hướng đến xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp.
Đẩy lùi hủ tục lạc hậu
Huyện Đăk Glei có đa phần người Gié-Triêng và Xơ Đăng cùng chung sống, với nhiều nét văn hóa riêng biệt, đặc sắc. Tuy nhiên, một số hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn còn đang len lỏi trong đời sống của người dân như tục cõng củi cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tin vào thầy cúng khi ốm đau, kiêng cử người chết xấu...
Tục cõng củi cưới hay củi hứa hôn là phong tục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Gié-Triêng trước khi về nhà chồng. Người con gái sẽ chọn lựa nhiều củi đẹp, đều và càng nhiều, vợ chồng sống với nhau hòa thuận (theo quan niệm của người dân nơi đây). Tuy nhiên, việc người phụ nữ phải chuẩn bị 200 - 300 bó củi gây nên sự tốn kém về tiền bạc và thời gian. Đồng thời, hành vi này dễ gây ra tình trạng khai thác rừng trái phép, vi phạm pháp luật, kéo theo nhiều hệ lụy.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Long (huyện Đăk Glei) Huỳnh Ngọc Ly cho biết, tục cõng củi cưới là một nét đẹp truyền thống rất riêng của cộng đồng người Gié-Triêng. Tuy nhiên, phong tục này nên dừng lại ở quy mô số lượng củi dưới 20 bó, chỉ để mang tính tượng trưng, không đặt nặng về số lượng, quy mô lớn. Do đó, xã đã tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, cùng đồng lòng trong việc bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống nhưng cũng phù hợp xu thế thời đại.
Tục kiêng cữ cái chết xấu còn hiện hữu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đăk Man, Đăk Pék. Đồng bào dân tộc thiểu số thường quan niệm chết xấu là thần linh phạt do con người đã vi phạm luật tục như quan hệ trước hôn nhân hoặc do vật nuôi gây nên. Khi chết xấu, người đồng bào dân tộc thiểu số không đưa thi thể người chết vào trong làng để tổ chức ma chay, mà tổ chức ở rìa làng. Chỉ có người thân trong nhà tự lo hậu sự, dân làng đều kiêng kị và không tham gia giúp đỡ.
Ông A Cao (làng Đăk Đoát, xã Đăk Pék) cho biết, với vai trò là già làng, người có uy tín trong cộng đồng, ông luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền giúp bà con nâng cao nhận thức về những vấn đề nhạy cảm và mê tín dị đoan. Qua tuyên truyền, đa phần bà con trong làng đã hiểu và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, chỉ giữ những nét đẹp trong văn hóa truyền thống.
Theo ông A Nang, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei), một bộ phận người dân lớn tuổi vẫn duy trì, tin tưởng vào kết quả của việc thực hiện hủ tục bởi phong tục, hủ tục đã ăn sâu vào tiềm thức. Do đó, xã luôn quán triệt cán bộ phải tăng cường bám thôn, làng để tuyên truyền, vận động thường xuyên, giúp người dân nhận thức đầy đủ những hệ lụy của các hủ tục, phong tục lạc hậu và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn.
Huyện Đăk Glei đã thực hiện tuyên truyền đến 93/93 thôn, làng, với 339 buổi, khoảng 31.990 người tham gia; đồng thời vận động hơn 4.620 hộ dân ký cam kết xóa bỏ các hủ tục; xây dựng 50 mô hình giúp dân sản xuất phát triển kinh tế, với hơn 500 hộ tham gia.
Thay đổi tư duy làm kinh tế
Khi triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đăk Glei đã bỏ dần những hủ tục, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thay vào đó, người dân đã chuyên tâm làm ăn, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất.
Anh A Vít (làng Pêng Sal Pêng, xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei) cho biết, nhờ có chính quyền địa phương tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bà con nơi đây đã dần thay đổi tư duy, hủ tục lạc hậu. Anh và nhiều hộ gia đình khác trong làng đã biết áp dụng máy móc vào chăn nuôi. Nhờ vậy, mỗi năm, gia đình anh thu về tiền lời gần 50 triệu đồng, giúp con cái được đi học đầy đủ, cuộc sống ngày càng khá hơn.
Với nhiều thay đổi tích cực về tư duy phát triển kinh tế, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Đăk Glei đã giảm 3,76% trong năm 2022.
Ông A Bang (làng Pêng Sal Pêng, xã Đăk Pék) chia sẻ: Năm 2018, gia đình ông đã tiên phong trong việc chuyển đổi 2 ha trồng mì (sắn) kém hiệu quả sang trồng cây bời lời. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ nông nghiệp địa phương, ông đã nắm bắt được kỹ thuật trồng và giúp diện tích cây bời lời ngày càng phát triển. Kết hợp cùng việc đầu tư hơn 500 m2 ao nuôi cá, vịt, gia đình ông Bang thu về khoảng 30 triệu đồng/năm tiền lời, trở thành hộ khá giả trong vùng.
Theo Bí thư Huyện ủy Đăk Glei Thái Văn Tưởng, nhiều hộ dân tộc thiểu số đã từng bước thực hiện việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật, duy trì và phát triển mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các hủ tục, phong tục lạc hậu, không còn phù hợp đã cơ bản được xóa bỏ.
“Để Cuộc vận động đạt được hiệu quả và lan tỏa rộng khắp đến tầng lớp người dân, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham quan, học tập một số mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, với phương châm “thấy tận mắt, nghe tận tai, sờ tận tay” để học tập phát triển kinh tế sản xuất. Đồng thời, huyện tạo điều kiện và vận động người dân tộc thiểu số trên địa bàn mạnh dạn vay vốn tín dụng từ các ngân hàng để làm kinh tế, sản xuất. Huyện phân công cán bộ trực tiếp phụ trách, bám sát và gắn trách nhiệm với từng hộ nghèo nhằm hướng dẫn, theo dõi, giúp đỡ người dân với phương châm “xã bám thôn, thôn bám hộ” để người dân sớm thoát nghèo bền vững”, ông Thái Văn Tưởng cho biết thêm.
Khoa Chương