Nhiều mô hình kinh tế ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất thuộc Chương trình nông thôn miền núi được triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã mang lại những tín hiệu tích cực. Những mô hình này đang là điểm sáng giúp thay đổi tư duy sản xuất, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, thiết thực và hiệu quả.
Qua hơn 3 năm triển khai Chương trình nông thôn miền núi, huyện Chư Prông đã xây dựng được 5 ha mô hình tái canh cà phê; 2 ha mô hình sản xuất tiêu an toàn theo hướng VietGAP; 15 ha mô hình trồng xen các giống bơ mới trái vụ trong vườn cà phê và thực hiện cải tạo 5 ha vườn tạp tại 6 xã với tổng kinh phí 8 tỷ đồng.
Tham gia dự án, người dân được hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình và thụ hưởng sản phẩm làm ra. Đặc biệt, đối với các hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số khi được chọn tham gia mô hình đã giúp họ thay đổi tư duy sản xuất một cách tích cực.
Anh Rơmah Hyoéch, xã Ia Kly, huyện Chư Prông cho biết, gia đình có 1ha cà phê già cỗi được chọn tham gia mô hình tái canh cà phê kết hợp với tưới nước tiết kiệm và bón phân qua hệ thống tưới để cải tạo và tăng năng suất vườn cây.
Nhờ được hỗ trợ giống, phân bón và hệ thống tưới nước nhỏ giọt nên đã tiết kiệm được rất nhiều công chăm sóc cũng như phân bón; vườn cà phê sinh trưởng, phát triển tốt khi áp dụng mô hình này.
Ông Nguyễn Văn Luyến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông cho biết: Trong thời gian triển khai dự án, người dân được tập huấn đầy đủ các quy trình trồng và chăm sóc cà phê. Đặc biệt, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia mô hình đều có cán bộ, kỹ thuật viên tư vấn, hỗ trợ.
Tham gia mô hình, người dân chỉ cần đối ứng vốn bằng công chăm sóc và phân bón; phân bón phần lớn đều do người dân tự sản xuất từ phân chuồng và các phụ phẩm nông nghiệp nên rất thuận lợi và hiệu quả. Hiện đã có khoảng 50% số hộ đồng bào ở 6 xã trên địa bàn huyện tham gia dự án này.
Theo đánh giá của Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê Nguyễn Văn Hợp, từ năm 2017 đến nay, địa phương đã triển khai được 2 dự án gồm: dự án phát triển cây dược liệu và dự án ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình phát triển kinh tế-xã hội tại xã đặc biệt khó khăn Ayun.
Qua theo dõi, các mô hình thuộc 2 dự án này đã đem lại lợi ích lớn cho người dân vùng dự án. Qua đó, góp phần tích cực nâng cao nhận thức, năng lực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý tạo nguồn sinh kế ổn định, lâu dài trong cộng đồng người dân tộc thiểu số.
Điển hình như gia đình chị Đinh HMan, làng HVắc, xã Ayun, nhiều năm nay gia đình chị đã chuyển đổi nhiều loại cây trồng, vật nuôi nhưng không mang lại hiệu quả.
Từ khi được chọn tham gia mô hình trồng ngô, gia đình đã được hỗ trợ giống mới kết hợp với quy trình canh tác tiên tiến từ khi xuống giống cho đến khi thu hoạch.
Nhờ đó, diện tích ngô của gia đình đã sinh trưởng, phát triển tốt và dự đoán năng suất, sản lượng sẽ đạt cao trong đợt thu hoạch sắp tới.
Chị Đinh HMan chia sẻ, trước đây gia đình trồng 5 sào sắn nhưng do khu vực này thường xuyên ngập úng nên cây mì không phát triển được. Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ, gia đình được tham gia chuyển đổi sang mô hình trồng ngô.
Sau khi được hỗ trợ giống, phân bón và được cán bộ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật nên diện tích ngô của gia đình hiện phát triển rất tốt và sắp đến kỳ thu hoạch.
Giai đoạn 2016-2022, tỉnh Gia Lai đã triển khai 14 dự án ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016–2025, với tổng kinh phí trên 99 tỷ đồng.
Các dự án đã xây dựng được 38 mô hình phát triển kinh tế tại các địa phương; hỗ trợ chuyển giao 79 quy trình công nghệ về khoa học kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo được 145 kỹ thuật viên cơ sở có khả năng áp dụng, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật mới; tập huấn cho trên 2.500 người dân trong vùng dự án về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi...
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai khẳng định, các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đều mang lại hiệu quả cao so với việc người dân sử dụng cách canh tác, nuôi trồng theo phương thức truyền thống.
Do đó, khi triển khai các mô hình, dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, người dân hết sức ủng hộ và tích cực tham gia. Đây là tiền đề để xây dựng thành công các mô hình cũng như duy trì và phát triển các mô hình sau khi dự án kết thúc.
“Các mô hình thuộc dự án đều hướng đến cái mới như áp dụng giống mới cho năng suất, chất lượng; sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi tập trung… Qua đó, giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại những địa phương thực hiện dự án thay đổi dần phương thức sản xuất, đảm bảo nguồn thu nhập và ổn định cuộc sống”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Thực tiễn cho thấy, Chương trình nông thôn miền núi có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Minh chứng thông qua các mô hình kinh tế ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, người dân đã thấy được hiệu quả mang lại rõ rệt.
Từ đó, thay đổi dần nhận thức trong sản xuất nông, lâm nghiệp, giảm áp lực lao động di cư tự do từ nông thôn đến thành thị, góp phần ổn định dân sinh và kinh tế-xã hội vùng dự án.
Hoài Nam – Xuân Huy