Mô hình “Gắn kết hộ giữa các hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số” do Binh đoàn 15 (đóng quân trên địa bàn tỉnh Gia Lai) triển khai từ năm 2006 đến nay đã đem lại những hiệu quả thiết thực về xóa đói, giảm nghèo. Các gia đình đến với nhau, gắn kết, hỗ đỡ nhau như anh em ruột thịt. Tình đoàn kết, keo sơn này không chỉ giúp bà con đồng bào thiểu số có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo mà còn tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên vùng biên giới ở Tây Nguyên.
Điển hình cho phong trào này là cặp hộ của chị Nguyễn Thị Kim Thanh và Kpuih Bler, công nhân đội 4, Công ty Bình Dương, Binh đoàn 15. Từ hai bàn tay trắng, cuộc sống vốn vất vả, khó khăn đến nay, gia đình chị Kpuih Bler đã có trong tay hơn 3 ha cà phê, điều cho thu nhập ổn định. Có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của gia đình còn nhờ sự trợ giúp đến từ người đồng nghiệp đặc biệt trong đơn vị. Ngoài chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất, chị Nguyễn Thị Kim Thanh còn đồng hành, hỗ trợ gia đình chị Kpuih Bler trong cuộc sống. Đây là kết quả kết tinh từ mô hình gắn kết hộ được triển khai tại Binh Đoàn 15 trong nhiều năm qua.
Chị Kpuih Bler chia sẻ, trước đây, gia đình mình rất khó khăn, nhờ gia đình chị Thanh hỗ trợ nên cuộc sống hiện tại rất ổn định. Chị Thanh gắn bó và giúp rất nhiều, từ việc dạy cách cạo mủ cao su đến làm kinh tế gia đình. Hiện giờ, gia đình mình có cuộc sống tốt hơn, có điều kiện cho con cái đi học là nhờ chị Thanh nhiều lắm.
Trao đổi về gia đình chị Kpuih Bler, chị Thanh tâm sự, mình rất vui khi được đồng hành, chia sẻ với gia đình chị Bler, bởi, gia đình chị Bler rất chân thành, tình cảm và chịu khó học hỏi. Để giúp gia đình chị Bler vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, mình đã động viên, sẻ chia kinh nghiệm về cách canh tác cà phê, điều sao cho hiệu quả nhất. Ngoài ra, mình còn định hướng cho chị Bler mở rộng thêm mô hình chăn nuôi, trồng rau sạch để phát triển thêm kinh tế hộ. Nhờ đó, không chỉ đạt được hiệu quả về kinh tế, mà tinh thần, tình cảm cũng được nâng lên; mỗi khi đau ốm, hoạn nạn, gia đình tôi cũng đều có được chỗ dựa từ gia đình chị Bler.
Mô hình “Gắn kết hộ giữa các hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số” được Binh Đoàn 15 phát động từ năm 2006. Từ 30 cặp hộ ban đầu, đến nay, đơn vị đã nhân rộng lên đến hơn 4.000 cặp hộ; trong đó có khoảng 2.000 cặp hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Việc gắn kết hộ đã tạo được sự đoàn kết, gần gũi, hiểu biết lẫn nhau, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn và phát triển kinh tế hộ gia đình.
Thượng tá Khuất Cao Trí, Bí thư Đảng uỷ Binh đoàn 15 khẳng định, những năm qua, mô hình gắn kết hộ là một chương trình lớn đã đóng góp rất quan trọng trong việc ổn định và phát triển của đơn vị. Ngoài ra, mô hình này còn góp phần cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các lực lượng trên địa bàn giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội và an ninh nông thôn. Thông qua mô hình này, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không những thoát được nghèo mà còn vươn lên làm giàu, cá biệt có nhiều cặp hộ hiện nay có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng một năm.
Các cặp hộ gắn kết đã minh chứng cho hoạt động dân vận hiệu quả, thiết thực của Binh đoàn 15. Qua đó, khơi dậy tình đoàn kết keo sơn giữa những người lao động trong đơn vị; giữa công nhân với nhân dân các buôn làng. Họ vui với niềm vui chung của nhau và chia sẻ, gánh vác khó khăn cùng nhau. Điều này thắt chặt thêm tình đoàn kết của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên dải đất Tây Nguyên.
Hoài Nam – Xuân Huy