Gia Lai lấy người dân làm chủ thể xây dựng nông thôn mới

Đường giao thông nông thôn ở thôn Đoàn Kết, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai được xây dựng khang trang sạch đẹp. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Đường giao thông nông thôn ở thôn Đoàn Kết, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai được xây dựng khang trang sạch đẹp. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Với quan điểm người dân là chủ thể, tỉnh Gia Lai đang hướng đến nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, phát triển hiệu quả và bền vững để diện mạo các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thay đổi từng ngày, cơ sở hạ tầng hoàn thiện đồng bộ hơn. Phấn đấu đến hết năm 2022, tỉnh Gia Lai sẽ có thêm 2 huyện, 7 xã, 63 thôn làng đạt chuẩn nông thôn mới và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Gia Lai lấy người dân làm chủ thể xây dựng nông thôn mới ảnh 1Đường giao thông nông thôn ở thôn Đoàn Kết, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai được xây dựng khang trang sạch đẹp. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Thực tế, chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phần cuộc sống đối với người dân tỉnh Gia Lai. Qua hơn 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của tỉnh Gia Lai đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể.

Huyện Kbang là 1 trong 5 địa phương của cả nước được Trung ương chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, địa phương đã tranh thủ đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm...trên cơ sở phát huy nội lực trong dân. Nhờ sự ủng hộ và đồng hành của người dân, đến nay, Kbang đã có 7 xã và 6 làng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng, tăng gần gấp 4 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ trên 51% xuống còn 4,38%; cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của người dân cũng như sự phát triển của xã hội.

Ông Đinh Văn Khiêu, Thôn trưởng làng Lơk, xã Nghĩa an, huyện Kbang chia sẻ, từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, cuộc sống trong làng có sự thay đổi đáng kể từ đời sống đến nếp nghĩ cách làm, cách sinh hoạt. Bây giờ người dân trong làng không còn bỏ đất hoang hoá, chuồng trại gia súc đều được di dời ra vị trí xa nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường và văn hóa.

Ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, huyện Kbang cho biết, nhờ sự tích cực vận động của các cấp, các ngành đã nâng cao nhận thức người dân, từ đó cùng với chính quyền địa phương thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều tiêu chí được người dân hết sức đồng tình hưởng ứng, đặc biệt là tiêu chí xây dựng đường giao thông. Người dân tự nguyện hiến đất, góp công, góp tiền để cùng với địa phương hoàn thành các tuyến đường giúp bộ mặt nông thôn các thôn làng đều khang trang, sạch đẹp. Năm 2017, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và hiện đang tiếp tục nỗ lực phấn đầu hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng thổi một luồng sinh khí mới làm thay đổi diện mạo các huyện biên giới của Gia Lai. Từ một huyện biên giới nghèo, những năm qua, huyện Đức Cơ đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước gắn với huy động nguồn lực đóng góp từ các doanh nghiệp và nhân dân.

Theo thống kê, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới của huyện Đức Cơ đến nay đạt trên 200 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp một phần quan trọng trong việc cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường…, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Tính đến cuối năm 2021, huyện Đức Cơ đã có 3 xã và 4 làng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại đạt từ 10-15 tiêu chí.

Ông Vũ Mạnh Định, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ khẳng định, hiệu quả của trương trình xây dựng nông thôn mới thể hiện ở chỗ diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao và địa phương cũng đã có 18 sản phẩm OCOP. Hiện địa phương cũng đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa để đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

Thực tế cho thấy, sau hơn 10 năm nỗ lực thực hiện Chương trình Mục tiêu xây dựng nông thôn mới và 3 năm triển khai mô hình làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bộ mặt nông thôn của tỉnh Gia Lai đã có bước tiến bộ rõ nét, nhất là các địa phương được chọn làm điểm của chương trình.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 91 xã,123 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, 107 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân cơ bản đã nhận thức đúng ý nghĩa, bản chất, mục đích của chương trình xây dựng nông thôn mới, qua đó, xác định được vai trò chủ thể của mình, chủ động tự giác thực hiện.

Nhờ đó, tư duy về kinh tế thị trường ngày càng rõ nét hơn, tập quán sinh hoạt của người dân từng bước thay đổi theo hướng văn minh giúp diện mạo nông thôn thay đổi một cách toàn diện,; đời sống vật chất, tinh thần của bà con từng bước được nâng lên rõ rệt. kinh tế nông thôn có bước phát triển lớn.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho rằng, chính sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, thậm chí các thôn làng đã giúp Gia Lai đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, đến nay Gia Lai đã có 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 52% số xã trên địa bàn tỉnh; 123 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, 107 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng nông thôn được đầu tư, sản xuất vùng nông thôn cũng được quan tâm, từ đó thúc đẩy trình độ sản xuất lên tầm cao mới, trình độ cán bộ cũng được củng cố, kiện toàn.

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, cả hệ thống chính trị của tỉnh Gia Lai tiếp tục đồng lòng chung sức của người dân trên tinh thần “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc", hướng tới đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu đề ra.

Hoài Nam – Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm