Với lợi thế diện tích đất tự nhiên lớn thứ hai cả nước với hơn 15.500 km2, tỉnh Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nhiều vùng chuyên canh cây trồng, chăn nuôi. Thời gian gần đây, nhiều dự án chăn nuôi công nghệ cao đã được các nhà đầu tư xây dựng trên địa bàn cho thấy, Gia Lai là một vùng đất còn nhiều tiềm năng để thu hút thêm các dự án mới.
Chính quyền tỉnh Gia Lai cũng đã đặc biệt quan tâm đến việc kêu gọi đầu tư vào các dự án chăn nuôi công nghệ cao. Đồng thời, cam kết sẽ luôn đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp các nhà đầu tư sớm đưa dự án vào hoạt động hiệu quả.
Thu hút nhiều dự án
Theo nhận định từ ngành nông nghiệp tỉnh, chiến lược phát triển của Gia Lai là từng bước chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất kép kín theo chuỗi liên kết, hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 204 dự án chăn nuôi đang được các nhà đầu tư quan tâm với tổng diện tích gần 9.500 ha, tổng vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng.
Theo đó, có 44 dự án đã được UBND tỉnh Gia Lai cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích hơn 1.600 ha, tổng vốn đăng ký gần 6.000 tỷ đồng; 62 dự án đã được UBND tỉnh Gia Lai đồng ý chủ trương nghiên cứu, đề xuất dự án, với tổng diện tích hơn 5.000 ha, tổng vốn đăng ký hơn 13.000 tỷ đồng; 98 dự án đang tư vấn, hướng dẫn triển khai các thủ tục đầu tư với tổng diện tích hơn 2.700 ha, tổng vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng.
Nhìn chung, các dự án chăn nuôi địa bàn tỉnh là dự án trang trại chăn nuôi quy mô lớn theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Sau những kỳ xúc tiến, kêu gọi đầu tư của tỉnh, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ để đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi còn quá nhiều dư địa này. Mới đây nhất, giữa tháng 5/2022, Tập đoàn Hùng Nhơn và tập đoàn The Heus (Hà Lan) đã hợp tác khởi công xây dựng "Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai” tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai dự kiến có quy mô sử dụng đất khoảng 100 ha, bao gồm: khu trang trại chăn nuôi 2.500 lợn giống cụ kỵ chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan, nhà máy giết mổ lợn thịt, nhà máy sản xuất phân hữu cơ, khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ, khu canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh, đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật, khu tập kết, thu mua, bảo quản, đóng gói trái cây theo tiêu chuẩn xuất khẩu chất lượng cao. Tổ hợp sẽ áp dụng công nghệ 4.0 xuyên suốt quá trình chăn nuôi, giúp kiểm soát tốt chất lượng chăn nuôi, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn chia sẻ: "Tổ không chỉ góp phần tạo nên mô hình chăn nuôi hiện đại mà còn góp phần vào phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại Gia Lai, mang lại cơ hội và giải quyết việc làm cho gần 300 lao động địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với dự án này, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần đưa Gia Lai trở thành thủ phủ chăn nuôi của khu vực Tây Nguyên".
Hoặc đã có những dự án đã đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà đầu tư như cụm chăn nuôi tại xã Pơ Lang, huyện Mang Yang của Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Mới đi vào hoạt động, mỗi tháng, cụm chăn nuôi này cung cấp ra thị trường khoảng 6.000 con lợn thịt. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng tuyển và đảm bảo công việc cho 800 công nhân, đa phần là người Bahnar tại các xã Pơ Lang, Kon Chiêng, huyện Mang Yang, với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.
"Khí hậu ở Gia Lai khoảng 25-27 độ C, tương đối mát mẻ, đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển ngành chăn nuôi. Gia Lai lại có nguồn quỹ đất rộng lớn, từ cụm chăn nuôi này đến cụm kia cách xa nhau, đảm bảo an toàn về sinh học, hạn chế việc lây lan dịch bệnh, đây là yếu tố thuận lợi cho chăn nuôi công nghệ cao, quy mô lớn." - ông Nguyễn Ngọc Mai, Giám đốc công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nhận định.
Đại diện doanh nghiệp này cũng cho hay, tỉnh Gia Lai hiện đang thu hút mạnh đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Do đó, các thủ tục hành chính được các ban ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, hồ sơ nhanh nhất để phía doanh nghiệp có thể an tâm phát triển. Sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng triển khai và đưa vào hoạt động một số cụm chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Mang Yang và huyện Đăk Pơ.
Tiềm năng thu hút đầu tư
Ông Krung Dam Đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, một trong những huyện đang thu hút nhiều dự án chăn nuôi công nghệ cao tại Gia Lai cho biết, đối với các dự án chăn nuôi công nghệ cao, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính cho phía doanh nghiệp.
Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước, địa phương cũng yêu cầu các nhà đầu tư phải thực hiện nghiêm các quy định về quy hoạch đất đai, tuyệt đối không liên quan đến đất quy hoạch 3 loại rừng. Đồng thời, xây dựng chuồng trại cách xa khu dân cư, đảm bảo yếu tố vệ sinh môi trường.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Gia Lai có diện tích lớn thứ 2 cả nước, có vị trí là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hoá và dịch vụ, thương mại quan trọng trong khu vực và 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Đây cũng là vùng kinh tế đa dạng gồm kinh tế cửa khẩu, kinh tế nông, lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch văn hoá – lịch sử, sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên.
Ngoài ra, Gia Lai còn có lợi thế về giao thông với các quốc lộ 19, 25, 14, 14C, đường Đông Trường Sơn, Cảng hàng không Pleiku tạo điều kiện thuận lợi để Gia Lai phát triển kinh tế - xã hội, cho thấy địa phương là nơi còn nhiều tiềm năng phát triển thuận lợi cho các dự án chăn nuôi công nghệ cao.
Gia Lai có diện tích đất đai phục vụ cho phát triển nông nghiệp tương đối lớn so với các địa phương khác trong nước. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai còn sở hữu đồng cỏ rộng tới 18.000 ha, được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất rộng lớn, thổ nhưỡng phì nhiêu, địa hình được chia thành 3 vùng đồi núi, cao nguyên và thung lũng đồng bằng nằm xen kẽ nhau, hình thành khí hậu đặc trưng riêng của mỗi khu vực. Đây là lợi thế hiếm có mà ít địa phương nào có được để phát triển ngành nông nghiệp chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô công nghiệp.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao, tháng 3/2022 vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt Kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo kế hoạch, tỉnh Gia Lai triển khai đồng loạt các giải pháp về ưu tiên cho thuê đất, giao đất với chính sách ưu đãi đối với các dự án chăn nuôi quy mô trang trại tập trung áp dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn phòng dịch; có kế hoạch cho chăn nuôi tập trung đối với bò, lợn và gia cầm; định hướng chuyển dịch chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic…Hướng đến mục tiêu của tỉnh Gia Lai đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi sẽ đạt khoảng 9.800 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều hoạt động cải cách thủ tục hành chính mang tính đột phá trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là dịch vụ hành chính công nhằm cung cấp dịch vụ công nhanh, gọn, hiệu quả cho doanh nghiệp.
Đối với việc kêu gọi, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh đã thành lập Hội đồng Xúc tiến Đầu tư nhằm giải quyết, hoàn tất thủ tục của các dự án một cách nhanh nhất, từ đó đã tạo được niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Hồng Điệp