Ảnh minh họa - TTXVN |
Đáng chú ý, theo quy định mới này, thành phố đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và đẩy nhanh tiến độ thực hiện tại các địa phương.
Theo Quyết định số 12/2017/QĐ – UBND của UBND thành phố Hà Nội, người mua nhà chung cư do hộ gia đình, cá nhân xây dựng nếu đáp ứng các điều kiện về nhà chung cư theo quy định (tại Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 19/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng) sẽ được cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp chủ sở hữu bán, cho thuê mua, tặng cho, để thừa kế căn hộ trong nhà ở này cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, quyền sử dụng đất ở gắn với nhà ở thuộc sử dụng chung của các đối tượng đã mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế căn hộ.
Trường hợp công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng sai phép phải được kiểm tra, xử lý. Sau khi xử lý, nếu công trình được phép tồn tại và đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đối với diện tích xây dựng sai phép, không phép sẽ được xét cấp Giấy chứng nhận.
Cũng theo quy định mới, thành phố xử lý, khắc phục những vướng mắc khi giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong dự án phát triển nhà ở mà chủ đầu tư có vi phạm.
Theo đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, công trình xây dựng cho người mua hoặc kể từ ngày hết hạn thuê mua, chủ đầu tư phải làm thủ tục để cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho bên mua, bên thuê mua, trừ trường hợp bên mua, bên thuê mua có văn bản đề nghị tự làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận. Nếu chủ đầu tư vi phạm quy định trong việc cấp Giấy chứng nhận sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định sổ 102/2014/NĐ - CP.
Đặc biệt, với trường hợp chủ đầu tư có vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, tài chính, kinh doanh bất động sản..., trong khi người mua nhà, công trình xây dựng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, việc cấp Giấy chứng nhận vẫn được tiến hành song song với việc thanh tra, xử lý trách nhiệm đối với chủ đầu tư; không làm thay đổi việc xử lý trách nhiệm đối với chủ đầu tư vi phạm pháp luật.
Thành phố sẽ tiến hành cấp Giấy chứng nhận cho cán bộ, công nhân viên được cơ quan, tổ chức giao đất làm nhà ở hoặc bàn giao nhà ở sau khi thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân viên trên đất được UBND thành phố giao trước ngày 1/7/2004 nhưng không vi phạm chỉ giới đường đỏ đã được công bố, cắm mốc. Trường hợp vi phạm chỉ giới đường đỏ (tại thời điểm xét cấp Giấy chứng nhận) chỉ cấp Giấy chứng nhận cho diện tích đất, diện tích công trình xây dựng bên ngoài chỉ giới đường đỏ và phải nộp đủ tiền sử dụng đất.
Về tiếp nhận nhà đất và các công trình hạ tầng kỹ thuật do các tổ chức tự quản bàn giao về địa phương quản lý, thành phố giao Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan thực hiện tiếp nhận nguyên trạng; đồng thời thực hiện rà soát, phận loại để xử lý.
Trường hợp hiện trạng sử dụng đất còn công trình, nhà ở (được xây dựng bằng nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước), Sở quản lý, cho thuê và làm thủ tục bán nhà ở cũ; trường hợp hiện trạng sử dụng đất không còn công trình, nhà ở, UBND cấp huyện quản lý, làm thủ tục xét cấp Giấy chứng nhận theo Luật Đất đai năm 2013 và thu nghĩa vụ tài chính.
Diện tích đất khu nhà ở gia đình quân đội, công an nằm trong khu đất đã cấp Giấy chứng nhận cho đơn vị quốc phòng, an ninh sử dụng, đơn vị đang sử dụng đất có trách nhiệm báo cáo, đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bàn giao cho địa phương quản lý, để xử lý. Đất khu nhà ở gia đình quân đội, công an đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định bàn giao cho địa phương quản lý hoặc đã được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho phép chuyển mục đích sang đất ở để giao cho cán bộ tự làm nhà ở trước ngày 1/7/2004, thì cấp huyện thực hiện xét cấp Giấy chứng nhận.
Trường hợp đang sử dụng đất thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất trước ngày 1/7/2004 do vi phạm pháp luật đất đai, đến nay quyết định thu hồi đất chưa thực hiện mà sử dụng đất ổn định, phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp khiếu kiện, UBND cấp huyện kiểm tra, rà soát, đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét bãi bỏ quyết định thu hồi đất và chỉ đạo việc xét cấp Giấy chứng nhận.
Thành phố quy định đối với các trường hợp sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch, UBND cấp huyện chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trường hợp đang sử dụng đất thuộc khu vực phải thu hồi đất (trừ khu vực thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, để xây dựng đường giao thông, công trình kết cấu hạ tầng, công trình công cộng), đã có thông báo và quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền, đến nay đã quá 03 năm không thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các ngành, trình UBND Thành phố xem xét điều chỉnh hoặc hủy bỏ quyết định thu hồi đất để có cơ sở xem xét cấp Giấy chứng nhận.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, lũy kế đến ngày 10/3/2017, thành phố đã cấp được 1.320.861 Giấy chứng nhận cho các hộ gia đình cá nhân trong khu dân cư (đạt 90,46%), còn lại 252.099 thửa chưa cấp, trong đó có 196.441 thửa đất còn vướng mắc; cấp Giấy chứng nhận mua nhà tại các dự án nhà ở được 146.884 căn hộ (đạt 82,39% trên tổng số căn hộ chủ đầu tư đã bán và bàn giao cho người dân); cấp cho tổ chức đạt 71,32%; cấp Giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa đạt 96,63%.
Thành phố đã bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước đạt 92%, song kết quả này vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội vẫn đang quản lý trên 13.815 căn hộ, trong đó có 2.913 căn thuộc diện được bán, đã có đơn và hồ sơ mua nhà; còn lại 10.902 căn thuộc diện không đủ điều kiện để thực hiện bán.