Tháo gỡ khó khăn trong công tác chăm sóc, giáo dục học sinh dân tộc bán trú ở Yên Bái

Theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ "Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn", mỗi học sinh bán trú được hỗ trợ 15 kg gạo/tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc cấp gạo cho các trường bán trú trên địa bàn tỉnh Yên Bái bị chậm so với kế hoạch. Vì vậy, nhiều trường ở huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu gặp khó khăn trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục học sinh trên địa bàn.

vna_potal_cham_cap_gao_cac_truong_ban_tru_vung_cao_yen_bai_gap_nhieu_kho_khan__7282824.jpg
Việc chậm phát gạo đã ảnh hưởng tới công tác chăm sóc cho học sinh tại các trường bán trú trên địa bàn huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Lý Tự Trọng (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải) là một trong những trường có nhiều học sinh bán trú. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 21 lớp với 881 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 99%. Theo quy định của Nhà nước, từ ngày 1/1/2024, nhà trường có 697 học sinh đủ điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ cho học sinh bán trú.

Thầy giáo Lê Hải Đăng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Lý Tự Trọng cho biết, mọi năm, việc cấp gạo cơ bản kịp thời; năm nay, nguồn cấp có muộn hơn. Hiện nhà trường đã hết gạo dự trữ, phải vay của các hộ kinh doanh để nấu ăn cho học sinh.“Một ngày, nhà trường phải dùng hơn 3 tạ gạo để nấu ăn cho học sinh. Số gạo trong kho hiện chỉ còn 4 tạ. Nhà trường đã có phương án đi vay gạo, nhưng cũng chỉ vay được 2 tấn, ăn được hơn 1 tuần. Nếu tình trạng chậm cấp gạo kéo dài, nhà trường sẽ phải huy động phụ huynh học sinh hỗ trợ để nấu ăn cho các em”, Hiệu trưởng Lê Hải Đăng thông tin thêm.

Tương tự, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở La Pán Tẩn (xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải) hiện có gần 1.200 học sinh, trong đó 959 em được hưởng chế độ bán trú. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường chia sẻ, hiện trường còn khoảng 4 tấn gạo, dùng đủ cho khoảng 12 ngày. Tại buổi họp phụ huynh, nhà trường đã thống nhất với phụ huynh giữ lại gạo ăn thừa của các em trong học kỳ I để đảm bảo gạo ăn cho học sinh trong học kỳ II. Trước mắt khi thiếu gạo, nhà trường sẽ tạm thu của mỗi học sinh 5 kg gạo, khi nào có gạo sẽ trả lại cho các em.

vna_potal_cham_cap_gao_cac_truong_ban_tru_vung_cao_yen_bai_gap_nhieu_kho_khan__7282509.jpg
Các trường bán trú đang cố gắng có đủ gạo ăn cho học sinh cho đến khi được cấp gạo mới. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết, năm học 2023 - 2024, địa phương có trên 22.000 học sinh. Trong số đó, có 12.000 học sinh bán trú ở 21 trường nội trú, bán trú được hưởng chế độ chính sách theo Nghị định Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ "Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn".Một số trường trên địa bàn đang trong tình trạng “báo động” hết gạo để nấu ăn cho học sinh bán trú như các Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở: Nậm Khắt, Lao Chải, Khao Mang… Những trường này đã phải vay gạo của các hộ kinh doanh và huy động phụ huynh học sinh đóng góp để nấu ăn cho các em.

Huyện Trạm Tấu hiện có 27 đơn vị trường học và 1 nhóm trẻ tư thục với gần 12.000 học sinh, trong đó có 11 trường Phổ thông Dân tộc bán trú với gần 7.000 học sinh đang trong tình trạng thiếu gạo trầm trọng. Hiện ngoài việc dạy học, các trường còn phải lo bữa ăn cho học sinh từng ngày.

Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Trạm Tấu (xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu) chia sẻ, nhà trường đã phải mua gạo nợ của các hộ kinh doanh để nấu ăn cho hơn 500 học sinh. Tuy nhiên, giá gạo mua đắt gấp đôi so với giá gạo hỗ trợ. Việc thanh toán sau khi nhận được gạo hỗ trợ cũng là vấn đề khó khăn đối với các phụ huynh có con theo học tại trường… Việc chậm cấp gạo cũng dẫn đến việc các em phải dùng gạo cũ, không đảm bảo về khẩu phần ăn cũng như chế độ dinh dưỡng hằng ngày.

vna_potal_yen_bai_cham_cap_gao_cac_truong_ban_tru_vung_cao_gap_nhieu_kho_khan_anh_theo_bai_7282502.jpg
Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Lý Tự Trọng đã hết gạo dự trữ, phải đi vay của các hộ kinh doanh để nấu ăn cho các em học sinh. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Ông Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu cho biết, đơn vị đã liên hệ với Chi cục Dự trữ nhà nước Yên Bái để sớm phân bổ nguồn gạo hỗ trợ cho các trường học trên địa bàn. Trước mắt, Phòng chỉ đạo những trường học còn thừa nhiều gạo từ học kỳ I chưa chi trả cho các gia đình sẽ hỗ trợ các trường hết gạo dự trữ nhằm ứng phó với tình hình thiếu gạo.Về tình trạng này, ông Lê Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Dự trữ nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn lý giải, theo quy định, việc cung cấp, vận chuyển gạo cho các đơn vị phải thông qua đấu thầu rộng rãi qua mạng, dẫn đến chậm hơn so với năm trước; tuy nhiên trước đó, đơn vị đã thông tin đến các tỉnh để chủ động ứng phó. Ông Lê Tiến Dũng khẳng định, chậm nhất đến ngày 10/4, gạo sẽ được cấp đến các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, hằng năm, huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu được Tổng cục Dự trữ nhà nước cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ học sinh. Việc cấp, phát gạo được chia thành 2 đợt, đợt 1 vào tháng 10 và đợt 2 vào đầu tháng 3 (học kỳ II) của năm học. Tuy nhiên đến nay, các trường học trên địa bàn 2 huyện vẫn chưa nhận được hỗ trợ gạo.

Để đảm bảo có đủ gạo nấu ăn cho học sinh bán trú, ngành Giáo dục Yên Bái chỉ đạo các trường khắc phục khó khăn trước mắt; đồng thời chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch và có phương án dự phòng để có đủ gạo ăn cho học sinh cho đến khi được cấp gạo.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm