Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trường học bán trú trên địa bàn tỉnh Yên Bái được đặc biệt quan tâm nhằm đảm bảo sức khỏe, góp phần hỗ trợ phát triển toàn diện thể lực, trí lực cho học sinh.
Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có 396 trường học mầm non, tiểu học và trung học bán trú, với hơn 226.000 học sinh được tổ chức ăn từ 1 đến 3 bữa tại trường. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành Giáo dục và Đào tạo từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất, quy trình nấu nướng...; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng từ khâu nhập thực phẩm đến bàn ăn của học sinh.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất
Huyện vùng cao Trạm Tấu có 28 trường học nội trú, với hơn 3.000 học sinh đang được hưởng chế độ bán trú. Nhiều năm qua, các trường học bán trú trên địa bàn huyện đã nỗ lực đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc và mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bà Triệu Thị Duyên, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu cho biết, dù chưa khang trang, hiện đại, nhưng các trường trên địa bàn huyện đều được sử dụng nguồn nước sạch, khu vực bếp ăn sạch sẽ, thường xuyên khử trùng theo quy định. Các bếp ăn đều có kho chứa thực phẩm, nơi sơ chế thức ăn...
Đứng chân trên địa bàn khó khăn nhất của huyện Trạm Tấu, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Xi Láng, xã Tà Xi Láng có 427 học sinh đang theo học, phần lớn là người Mông đi học xa nhà, được bố trí ăn ở tại trường.
Thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Xi Láng cho biết, nhà trường luôn quan tâm tới vấn đề an toàn thực phẩm. Các đồ dùng như bát đĩa, thìa đũa, khay thức ăn luôn được vệ sinh sạch sẽ, có tủ cất giữ thông thoáng và hệ thống lưới chắn côn trùng, tủ lạnh lưu mẫu thức ăn. Quá trình chế biến thức ăn, bảo quản, vận chuyển thực phẩm đều phải tuân thủ theo quy trình bếp ăn một chiều.
Được đánh giá là trường có 100% học sinh đảm bảo về thể chất và tinh thần, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Yên Thành (xã Yên Thành, huyện Yên Bình) hiện có 630 học sinh. Trung bình mỗi ngày, nhà trường phục vụ trên 800 suất ăn. Nhờ được đầu tư khá tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng, nhiều năm qua, bếp ăn nhà trường luôn đạt tiêu chí bếp ăn kiểu mẫu, không có trường hợp bị ngộ độc thực phẩm.
Thầy giáo Lý Xuân Diện, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Yên Thành cho biết, khu vực nhà bếp được xây dựng khang trang, sạch sẽ, sử dụng nguồn nước sạch. Đồ dùng trong nhà bếp được trang bị đầy đủ, nhiều thiết bị hiện đại như nồi cơm đa năng, máy lọc nước tinh khiết, tủ đựng thức ăn chín, tủ đựng thức ăn tươi sống, tủ lưu mẫu thực phẩm... Điều đó đã rút ngắn thời gian, tiết kiệm nhân công cấp dưỡng, đồng thời góp phần ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm và nguy cơ phát sinh bệnh truyền nhiễm.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và ảnh hưởng của cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà bếp tới an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường nguồn kinh phí hỗ trợ mỗi năm cho việc xây dựng bếp ăn bán trú, huy động nguồn lực từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở khuyến khích các trường chủ động, linh hoạt huy động xã hội hóa cơ sở vật chất để hoàn thiện trang thiết bị, dụng cụ chuyên dùng theo các quy định, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm
Huyện Văn Yên hiện có 50 trường học bán trú, với hơn 9.550 trẻ mầm non và hơn 14.000 học sinh tiểu học. Ông Lưu Quang Lợi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Yên cho biết, các trường học trên địa bàn đều thực hiện nghiêm 10 nguyên tắc an toàn của Bộ Y tế.
Thực phẩm đưa vào các nhà trường được cung cấp từ đơn vị uy tín, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, có sự giám sát của đại diện phụ huynh học sinh. Các trường học thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh nâng cao nhận biết, ý thức trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy, đến nay 100% bếp ăn của các trường trên địa bàn huyện được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Là trường học có số lượng học sinh nội trú lớn nhất huyện, mỗi ngày, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Lục Yên (huyện Lục Yên) phục vụ trên 800 suất ăn, cho gần 300 học sinh. Hằng ngày, ngoài việc công khai minh bạch về tài chính, nhà trường thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai khẩu phần ăn của học sinh, danh mục và nguồn gốc thực phẩm.
Thầy giáo Trần Đình Vũ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Lục Yên cho biết, nguồn thực phẩm nhập vào trường dưới sự giám sát hằng ngày của đại diện Ban giám hiệu, Hội phụ huynh học sinh, Thanh tra nhân dân và tổ nhà bếp. Các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ, thực hiện lưu mẫu thức ăn trong vòng 24 giờ theo quy định. Nhà trường yêu cầu tất cả nhân viên nhà bếp phải sử dụng găng tay, đội mũ... trong quá trình làm việc.
Ngoài ra, trước và sau bữa ăn, học sinh đều thực hiện quy định rửa tay với xà phòng để đảm bảo vệ sinh. Nhân viên cấp dưỡng thường xuyên được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm. Do vậy, nhiều năm qua, bếp ăn nhà trường không chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn liên tục nâng cao chất lượng thực phẩm.
Nhằm chuẩn hóa chất lượng bữa ăn, đảm bảo đủ dinh dưỡng, ngành Y tế tỉnh Yên Bái đã cung cấp tới các địa phương ngân hàng thực đơn gồm 120 bộ thực đơn, với 360 món ăn cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi. Cùng với đó, ngành Y tế thường xuyên phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại của thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
Ông Lương Quốc Dũng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Yên Bái cho biết, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bếp bán trú là nhiệm vụ rất quan trọng. Trước hết, cần có sự phối hợp đồng bộ, liên tục của các cấp, nhà trường, gia đình và học sinh nhằm tăng cường kiểm tra, đảm bảo công tác giám sát việc chấp hành quy định về vệ sinh thực phẩm trong trường học.
Hơn nữa, cần không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, nhân viên nuôi dưỡng thường xuyên được tập huấn để hiểu rõ về quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, có kiến thức nhận biết về nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, đảm bảo trình độ nhất định về nấu ăn cho học sinh. Ngoài ra, các nhân viên nuôi dưỡng được khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo không mắc bệnh truyền nhiễm.
Tiến Khánh