Nhằm giúp học sinh không bị gián đoạn việc học trong mùa dịch COVID-19, đặc biệt là học sinh ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều hình thức dạy học linh hoạt, phù hợp với điện kiện thực tế của địa phương…
Linh hoạt hình thức dạy học
Theo bà Tô Thị Ánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Yên Bái, để thích ứng linh hoạt với dịch bệnh COVID-19, ngành GD&ĐT tỉnh quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo an toàn nhất cho học sinh và thầy, cô giáo, vừa hoàn thành chương trình, kế hoạch dạy học năm học 2021 - 2022. Bên cạnh việc chỉ đạo các cơ sở linh hoạt điều chỉnh kế hoạch giáo dục, xây dựng tài liệu hướng dẫn học trực tuyến…, Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái còn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy học của giáo viên và học sinh, hướng dẫn giáo viên linh hoạt các hình thức dạy học phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Kịp thời ban hành Kế hoạch số 199/ KH-SGDĐT ngày 28/10/2021 về tổ chức các hoạt động giáo dục đảm bảo “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái đã giúp 504 trường trên địa bàn chủ động tổ chức dạy học bằng nhiều hình thức khác nhau.
Trong đó có 119 trường dạy trực tiếp; 28 trường dạy trực tuyến; 61 trường dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến theo lớp; 40 trường dạy trực tuyến kết hợp giao bài theo lớp; 237 trường giao bài cho học sinh, hướng dẫn chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình…
Đến với các cơ sở giáo dục ở huyện Văn Yên, địa phương từng có cấp độ dịch vùng cam (cấp độ 3), chúng tôi chứng kiến các em học sinh tiểu học đều đang học trực tuyến, học sinh ở các cấp lớn hơn thì vừa học trực tiếp, vừa trực tuyến. Nhằm đảm bảo giờ lên lớp khi phải học trực tuyến, nhiều em học sinh ở vùng sâu, vùng xa còn phải leo lên những đồi keo, đồi quế “đón sóng” 4G. Các trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú, bán trú thì tổ chức ăn ở, học tập khép kín, đồng thời bố trí khu vực cách ly và có đủ trang bị cần thiết khi có trường hợp F0. Bên cạnh việc tập trung vào những nội dung giảng dạy chính, xây dựng tài liệu hướng dẫn học trực tuyến…, các thầy, cô giáo còn phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, giúp các em có điều kiện và phương tiện học tập tốt nhất.
Không để học sinh bỏ lại phía sau
Được sự chỉ đạo, động viên của ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái, các thầy, cô giáo tại những bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã không quản ngại vất vả, luôn sẵn sàng băng rừng, lội suối đưa con chữ đến với từng học sinh, giúp các em không bị gián đoạn việc học. Cô Vàng Thị Dà, Trường PTDT bán trú tiểu học Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải) chia sẻ: “Trong thời gian các em phải nghỉ học do dịch bệnh COVID-19, chúng tôi luôn đồng hành cùng phụ huynh và học sinh. Cứ mỗi tuần, chúng tôi lại xuống thôn, bản 2 lần để giao bài, hướng dẫn các em làm bài, qua đó giúp các em nắm vững kiến thức, không bỏ học giữa chừng”.
Thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 12/9/2021, ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái đã huy động được 600 triệu đồng, 80 máy tính xách tay và 100 máy tính bảng, giúp nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa không bị “đứt con chữ”. Thông qua Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, 99% học sinh trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, 95,9% đã tiêm 2 mũi vắc xin.
Dịch bệnh COVID-19 có thể còn có những diễn biến phức tạp nhưng với nhiều hình thức dạy học linh hoạt và phù hợp, ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái đã không để việc học bị gián đoạn, từ đó chắp cánh cho những ước mơ của con em đồng bào dân tộc bay cao, bay xa hơn.
Hương Hiền – Phan Ngọc Đức