2.400 máy tính có kết nối internet được cung cấp cho trường học vùng sâu, vùng xa

“Sóng và máy tính cho em” tiếp bước học sinh nghèo Đắk Nông. Ảnh:  Nguyên Dung – TTXVN
“Sóng và máy tính cho em” tiếp bước học sinh nghèo Đắk Nông. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Ngày 14/4, tại Hà Nội, Tập đoàn Qualcomm phối hợp với Quỹ Dairu tổng kết chương trình phổ cập kỹ năng số và thúc đẩy phát triển kỹ năng STEM.

Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hai nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo để tiến hành chuyển đổi số là hạ tầng trang thiết bị, nâng cao năng lực số, kỹ năng số cho giáo viên, học sinh trong các nhà trường. Việc Qualcomm phối hợp với Quỹ Dariu bàn giao máy tính cho các trường học, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình là hành động thiết thực triển khai Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030".

2.400 máy tính có kết nối internet được cung cấp cho trường học vùng sâu, vùng xa ảnh 1“Sóng và máy tính cho em” tiếp bước học sinh nghèo Đắk Nông. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Hưởng ứng chương trình "Sóng và máy tính cho em", thời gian qua, Tập đoàn Qualcomm đã trao tặng 2.400 máy tính di động (laptop) có kết nối internet 4G/LTE cho các trường học trên khắp Việt Nam nhằm hỗ trợ các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với máy tính và internet. Gần 100.000 học sinh tại 80 trường học nông thôn ở 15 tỉnh miền núi, nông thôn khó khăn của Việt Nam đã được trang bị cho các kỹ năng kỹ thuật số, nền tảng và năng lực về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học STEM cần thiết. Học sinh có thể học lập trình trong lớp và mang thiết bị (laptop) về nhà để làm các bài tập lập trình theo nhóm. Sự hỗ trợ này giúp các em học sinh không bị gián đoạn việc học tập trong thời gian diễn ra dịch COVID-19; đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số của ngành giáo dục Việt Nam. Trong đó, trọng tâm chính là tăng cường kỹ năng số cho đội ngũ giáo viên và học sinh để bắt kịp xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông ST Liew, Phó Chủ tịch Qualcomm CDMA, Chủ tịch Qualcomm Đông Nam Á và Australia chia sẻ: Tập đoàn Qualcomm tin tưởng việc gia tăng khả năng truy cập vào công nghệ không dây (wifi) có thể cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân ở mọi vùng miền. Sự hỗ trợ của Qualcomm hướng đến mục tiêu góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra tại các địa phương khó khăn của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) chia sẻ, với quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai của đất nước, từ năm 2014, Viettel đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin cho ngành. Các giải pháp do Viettel triển khai đã và đang góp phần rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền để học sinh Việt Nam dù ở miền núi hay hải đảo xa xôi đều được hưởng một nền giáo dục chất lượng cao.

Đến nay, Viettel đã lắp đặt miễn phí internet tốc độ cao đến hơn 35.000 trường học để tối ưu hóa công tác quản lý, hỗ trợ dậy và học trực tuyến; phối hợp triển khai tập huấn cho gần 1 triệu giáo viên theo chương trình phổ thông mới. Trong chương trình "Sóng và máy tính cho em", Viettel hỗ trợ 37.000 bảng và dịch vụ kết nối internet giá trị hơn 300 tỷ đồng cho học sinh.

Ông Nguyễn Thành Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thực hiện chuyển đổi số nói chung, trong lĩnh vực giáo dục nói riêng rất cần sự chung tay, góp sức của các tập đoàn công nghệ mạnh trong nước, quốc tế. Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ, có tinh thần ham học và có những thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tư duy logic. Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn Qualcomm đẩy mạnh hoạt động đầu tư về nghiên cứu sản xuất vi mạch bán dẫn của Việt Nam nhằm góp phần thực hiện định hướng thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch trong nước, định hướng các đối tác gia công sản xuất bộ vi xử lý (CHIP) cũng như đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Ngọc Bích

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm