Gần đây, liên tiếp những vụ việc không đảm bảo khẩu phần ăn cũng như an toàn thực phẩm xảy ra trong bữa ăn bán trú tại một số trường học đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, dấy lên những lo ngại của phụ huynh học sinh về quy trình kiểm soát chất lượng bữa ăn tại các nhà trường. Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng cho bữa ăn bán trú, cần tăng cường giám sát thường xuyên, liên tục tất cả các khâu với sự tham gia của các bên liên quan từ nhà trường, cơ quan chức năng và phụ huynh học sinh.
Nhiều bất cập trong tổ chức bữa ăn học đường
Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, các cơ quan liên quan tại địa phương tăng cường biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn học đường.
Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học; Quyết định số 4280/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh Trung học Cơ sở.
Theo hướng dẫn này, thực đơn bữa ăn học đường cần bảo đảm đa dạng thực phẩm, nên đạt tối thiểu trên 10 loại thực phẩm khác nhau, có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong đó nhóm chất béo là bắt buộc. Thực đơn phải mang tính khả thi, chế biến hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, phù hợp theo quy định, điều kiện của từng cơ sở.
Các trường có thể lựa chọn các hình thức hoạt động của bếp ăn trong trường học như: Bếp ăn do nhà trường trực tiếp quản lý, điều hành; Bếp ăn do đơn vị cung cấp dịch vụ nấu tại trường và cung cấp cho học sinh; đặt suất ăn từ đơn vị cung cấp dịch vụ từ bên ngoài.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hướng dẫn chi tiết về việc thiết kế bếp ăn theo nguyên tắc một chiều trong nhà trường cũng như việc tiếp nhận thức ăn từ đơn vị cung cấp dịch vụ bên ngoài, bảo đảm thời gian nấu và vận chuyển đến trường hợp lý. Các suất ăn phải được chia theo đúng định lượng tính toán; đảm bảo đồ ăn nóng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các nhà trường phải định kỳ phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh và các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm các cơ sở cung cấp dịch vụ thực hiện đúng quy trình.
Tuy nhiên, theo Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện có gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác tổ chức bữa ăn học đường còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức bữa ăn học đường còn chưa đáp ứng. Việc đầu tư xây dựng thực đơn, chất lượng bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, đủ thành phần chưa được thực hiện tốt, chưa dựa trên nhu cầu năng lượng của lứa tuổi.
Trong khi đó, nhận thức về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của bữa ăn học đường với dinh dưỡng hợp lý của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ, nhà giáo, phụ huynh và học sinh chưa đầy đủ. Nhân lực triển khai tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, an toàn thực phẩm tại trường học còn thiếu cả về số lượng và chất lượng.
Trên thực tế, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, việc lựa chọn các đơn vị cung cấp thực phẩm hay chế biến suất ăn tại trường học hiện nay chưa thực sự công khai minh bạch, việc lựa chọn vẫn mang tính chủ quan theo quan điểm của ban giám hiệu nhà trường. Phụ huynh không được tham gia trực tiếp cùng với nhà trường đi thẩm định nguồn gốc thực phẩm của đơn vị cung cấp suất ăn trước khi quyết định và chưa được trực tiếp tham gia giám sát công tác nhận thực phẩm, chế biến tại bếp ăn hàng ngày. Nhiều trường cũng chưa chú trọng thông tin về thực đơn bữa ăn hàng tuần, hàng tháng để phụ huynh được biết.
Cùng đó, nhiều trường đang lựa chọn đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú theo dạng "hồ sơ chào hàng" và đương nhiên, hồ sơ của các công ty đều đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn cơ bản, đáp ứng yêu cầu. Do vậy, chất lượng bữa ăn của học sinh như thế nào phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm, lương tâm của đơn vị cung cấp và khâu giám sát của nhà trường.
Tăng cường giám sát thực chất
Để học sinh được thụ hưởng bữa ăn đảm bảo chất lượng, tạo sự yên tâm cho phụ huynh, việc giám sát nguồn thực phẩm đầu vào, cũng như quy trình chế biến phải được tiến hành thường xuyên, hàng tuần trên tinh thần công tâm, khách quan, trách nhiệm, tránh hình thức và có hình thức xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Đặc biệt, các nhà trường cần rộng cửa để phụ huynh được góp mặt trong các hoạt động kiểm tra, giám sát bếp ăn.
Hiện nay, một số trường đã thành lập Tổ giám sát an toàn thực phẩm, có Ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia. Ban Giám hiệu nhà trường phân công lịch trực nhận thực phẩm cho các lớp, đến lớp nào trực thì đại diện Ban phụ huynh lớp đó sẽ đến kiểm tra, giám sát.
Cô Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Việc đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của bữa ăn bán trú cho học sinh luôn là vấn đề được nhà trường và cha mẹ học sinh đặc biệt quan tâm. Bên cạnh việc lựa chọn một đơn vị cung cấp suất ăn uy tín, nấu trực tiếp tại bếp của nhà trường, trong quá trình tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, Ban giám hiệu cùng phụ huynh học sinh thường xuyên tiến hành kiểm tra các hoạt động của đơn vị cung cấp, chế biến bữa ăn nhằm giám sát nguồn cung ứng thực phẩm, quá trình chế biến và định lượng suất ăn cho học sinh.
Hàng ngày, từ 6h30 sáng, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ đều có tổ trực thực phẩm gồm đại diện Ban giám hiệu, nhân viên phụ trách bán trú, bếp trưởng, nhân viên y tế, đại diện giáo viên chủ nhiệm và đại diện phụ huynh học sinh của các lớp xuống bếp ăn kiểm tra chặt chẽ việc tiếp nhận thực phẩm và kiểm thực 3 bước (kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn và kiểm tra trước khi ăn). Bên cạnh đó, để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho học sinh với những bữa ăn ngon, hợp khẩu vị, nhà trường đã xây dựng thực đơn theo tuần, theo tháng và theo mùa nhờ sự cố vấn của chuyên gia dinh dưỡng với cân định lượng theo quy định.
Theo cô Nguyễn Hồng Hạnh, để tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc vừa qua, giải pháp hiệu quả các nhà trường cần thực hiện đó là, tổ công tác bán trú cùng phụ huynh luôn trực giám sát bất kỳ thời điểm nào trong quá trình chế biến và chia suất ăn. Hàng ngày, bộ phận bếp chụp ảnh minh chứng lượng thức ăn trước chế biến, sau chế biến; chụp suất ăn chia hoàn chỉnh của học sinh, toàn cảnh bàn ăn của các lớp gửi ban giám hiệu và trên các nhóm lớp. Bên cạnh đó, lắp đặt hệ thống camera giám sát, lưu giữ hoạt động của bếp hàng ngày.
Cô Phương Thị Thìn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết: Nhà trường luôn phải giám sát chặt chẽ đơn vị cung cấp suất ăn từ khâu giao nhận thực phẩm đến chế biến, định lượng, chia về lớp cho học sinh. Bếp ăn được giám sát 24/24 giờ qua hệ thống camera. Hàng ngày, vào 6 giờ sáng, trường có tổ công tác giám sát việc nhận thực phẩm đầu vào gồm đại diện ban giám hiệu, công đoàn, giáo viên, đại diện phụ huynh... Đại diện Ban giám hiệu đi kiểm tra liên tục trong thời gian nấu.
Nhấn mạnh về việc giám sát bữa ăn bán trú của các lực lượng liên quan, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa cho rằng: Học sinh không chỉ cần ăn no, ăn sạch mà còn ăn ngon. Muốn bữa ăn hấp dẫn, đảm bảo vệ sinh và định lượng, ngoài trách nhiệm còn cần cái tâm của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, luôn cần sự đồng hành, ủng hộ của các bậc phụ huynh. Về phía cơ quan quản lý, quận cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh.
Chia sẻ về vấn đề đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng học đường, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ở các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, chương trình bữa ăn học đường được quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật về tiêu chuẩn dinh dưỡng cho bữa ăn, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như các quy định về cơ sở vật chất, nhân lực đào tạo chuyên sâu để có thể thực hiện được bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng, khoa học và hợp lý trong trường học.
Ở Việt Nam, việc luật hóa các vấn đề về sức khỏe học đường, dinh dưỡng học đường là giải pháp về lâu dài, nếu áp dụng ngay thì chưa thể phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để học sinh có bữa ăn học đường an toàn, lành mạnh, đủ dinh dưỡng rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành y tế, giáo dục từ Trung ương đến địa phương trong tất cả các hoạt động triển khai, giám sát, thanh tra và hỗ trợ chuyên môn cho các trường.
Việt Hà