Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh vùng cao Than Uyên

Bữa ăn của học sinh ttrường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Ta Gia. Ảnh: Quý Trung - TTXVN
Bữa ăn của học sinh ttrường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Ta Gia. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Những năm gần đây, các trường học bán trú trên địa bàn huyện Than Uyên (Lai Châu) đã triển khai hiệu quả mô hình nông trại trường học nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh, giúp các em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh vùng cao Than Uyên ảnh 1Bữa ăn của học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Ta Gia. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

An toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối được toàn xã hội quan tâm, đặc biệt đối với bếp ăn ở các trường học, bởi chất lượng từng bữa ăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự phát triển của học sinh. Vì vậy, ngoài chú trọng chất lượng dạy và học, Ban Giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Ta Gia luôn quan tâm đến việc đảm bảo an toàn thực phẩm và chế biến thức ăn. Do đó, việc lựa chọn thực phẩm đến giám sát sơ chế trong bếp ăn đều được nhà trường thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.

Cùng với đó, nhà trường còn triển khai mô hình nông trại, tận dụng các khoảng đất trống để trồng rau, chăn nuôi cho phù hợp, đảm bảo 100% học sinh đều được tham gia vào mô hình. Nhờ vậy, học sinh nắm bắt được những kỹ năng cơ bản chăm sóc một số loại rau như bắp cải, muống, cải ngọt, cải củ, bầu, bí và một số vật nuôi gồm: gà, ngan, vịt... Từ đó, hình thành mô hình vườn rau, chuồng trại cung cấp thực phẩm sạch, cải thiện chất lượng bữa ăn, làm giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong bếp ăn bán trú.

Năm học 2020-2021, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Ta Gia có 543 học sinh, trong đó 304 học sinh bán trú. Thầy giáo Hoàng Quang Hưng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nguồn kinh phí được cấp cho các em ở bán trú còn thấp. Do vậy, nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ngay trong trường. Qua thực hiện mô hình, sản phẩm thu được không chỉ phục vụ các bữa ăn, đảm bảo sức khỏe học sinh, mà còn nâng cao kỹ năng sống cho các em.

Em Vàng Thị Xay, học sinh lớp 8B, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Ta Gia chia sẻ: Nhà em ở cách xa trường, từ nhà đi đến trường mất hơn 1 giờ nên em được ở bán trú. Khi ở bán trú ngoài học tập trên lớp, em còn được thầy cô dạy cách chăn nuôi gà, vịt và trồng rau, đây là điều kiện để em học kỹ năng mềm trong cuộc sống.

Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh vùng cao Than Uyên ảnh 2Ngoài giờ học, các học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Ta Gia tham gia chăm sóc vườn rau tại khuôn viên trường. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Trường Tiểu học xã Ta Gia, huyện Than Uyên những năm qua cũng rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh ở bán trú. Để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho những bữa của các em, nhà trường đã xây dựng thực đơn theo tuần, theo tháng và theo mùa.

Em Sùng Thị Máy, học sinh lớp 5A2, Trường Tiểu học xã Ta Gia phấn khởi chia sẻ: "Con rất thích ở bán trú, vì có nhiều bạn. Hàng ngày, các thầy cô làm các món ăn khác nhau cho chúng em ăn. Buổi sáng, các thầy cô còn dạy chúng em gấp chăn màn gọn gàng, dọn vệ sinh sạch sẽ. Em hứa sẽ chăm học tốt để không phụ lòng của cha mẹ và thầy cô."

Hiện nay, tại huyện Than Uyên, 100% trường mầm non có "vườn rau cho bé", 14 trường thực hiện mô hình nông trại trường học với trên 2.000 học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở tham gia. Trong đó, 2 trường đã tự cung cấp đủ rau xanh và sản phẩm từ thịt, 10/12 trường tổ chức chăn nuôi, các trường còn lại đã tự cung cấp ít nhất 50% sản phẩm rau xanh.

Mô hình nông trại trường học ở huyện miền núi Than Uyên đã mang lại lợi ích kép vừa gắn kiến thức học tập ở trường với thực tế cuộc sống và các nhà trường, vừa có nguồn thực phẩm sạch để cung cấp cho bữa ăn bán trú. Mặt khác, điều này còn hướng học sinh biết yêu lao động, sáng tạo, đoàn kết, góp phần định hướng nghề nghiệp cho các em.

Ông Trịnh Ngọc Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên cho biết, thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân huyện và các địa phương mở rộng mô hình nông trại trường học; tăng cường kiểm tra, nắm bắt việc thực hiện cung ứng thực phẩm vào các đơn vị nhà trường cũng như kiểm tra trang thiết bị phục vụ nhà bếp, đảm bảo khâu chế biến sạch sẽ, an toàn.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục chỉ đạo các trường có học sinh bán trú tăng gia sản xuất, trồng rau, chăn nuôi, cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày, đúng mục tiêu gắn quản lý với công tác tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các đơn vị nhà trường trên địa bàn huyện.

Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm