Tháo gỡ khó khăn cho vùng chuyên canh thanh long

Tháo gỡ khó khăn cho vùng chuyên canh thanh long
Hội nghị đã phân tích những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp trong đầu tư hệ thống bảo quản, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, hạn chế rủi ro, tổn thất.

Thu hoạch thanh long tại Huyện Châu Thành (Long An). Ảnh: Bùi Giang - TTXVN
Thu hoạch thanh long tại Huyện Châu Thành (Long An). Ảnh: Bùi Giang - TTXVN
Theo đại diện Hợp tác xã thanh long Tần Vu, việc tuyên truyền nông dân tham gia sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ vẫn còn nhiều khó khăn vì phần lớn thanh long được tiêu thụ thông qua thương lái, hệ thống các kho thu mua trên địa bàn tỉnh, song các kho lại chưa đưa ra yêu cầu, tiêu chuẩn bắt buộc đối với chất lượng trái thanh long.
 
Ngoài ra, nhiều thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, nhất là yêu cầu chất lượng. Tâm lý hợp tác xã, doanh nghiệp còn ái ngại khi tham gia vào thị trường có yêu cầu chất lượng sản phẩm cao; phần lớn doanh nghiệp, HTX chủ động, kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu mới dám ký kết các hợp đồng tiêu thụ.
 
Hiện nay, toàn tỉnh Long An có trên 10.000 ha thanh long, tăng trên 10% so với năm 2017; trong đó, huyện Châu Thành khoảng 8.500 ha.
 
Việc trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao đang là hướng đi mới, mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Trong 2 năm qua, tỉnh đã triển khai đề án xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long theo hướng VietGAP. Qua đó, nhiều nông dân thấy được ý nghĩa, hiệu quả của chương trình sản xuất theo hướng VietGAP đã tự nguyện đăng ký tham gia và thực hiện đúng các yêu cầu để được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn.
 
Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng việc nâng giá trị sản phẩm thanh long và nhu cầu xuất khẩu, góp phần cải thiện môi trường sản xuất, giảm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế sự phát sinh, gây hại của các loại sâu, bệnh cho cây trồng. Bên cạnh đó, còn giúp tăng năng suất và chất lượng đối với sản phẩm thanh long.
 
Đặc biệt, mô hình tưới tiết kiệm giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động, tiết kiệm điện năng, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hạch toán hiệu quả kinh tế cho thấy, sản xuất trong mô hình lợi nhuận tăng bình quân khoảng từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/ha.
 
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh đang thực hiện Đề án xây dựng vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha đến năm 2020. Mục tiêu của đề án là phát triển vùng sản xuất thanh long tập trung, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đưa vốn, kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người trồng. Qua đây, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của thanh long, là cơ sở vững chắc để tiến tới phát triển thương hiệu sản phẩm thanh long của tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ và hội nhập quốc tế.
 
Hội nghị là cầu nối để các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các hợp tác xã và nông dân trao đổi thông tin kinh tế, khoa học, hợp tác đầu tư, sản xuất, tiêu thụ, tạo nên vùng trồng thanh long an toàn vệ sinh thực phẩm, năng suất, chất lượng cao, mở rộng thị trường xuất khẩu.
 Thanh Bình

Có thể bạn quan tâm