Bài 1: Đòn bẩy cho kinh tế nông thôn
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Tại Tp. Hồ Chí Minh, chương trình được triển khai khá muộn và cũng là địa phương cuối cùng công bố danh sách sản phẩm OCOP năm 2021. Dù mới được công nhận, song nhiều sản phẩm OCOP của Tp.Hồ Chí Minh đã từng bước định vị được chỗ đứng, góp phần vào việc nâng cao giá trị cho nông sản Việt.
Các sản phẩm mang tính bản địa hay được gọi là “đặc sản” địa phương từ trước đến nay thường được sản xuất theo phương thức thủ công truyền thống, ít có quy trình chế biến, kiểm soát chất lượng cụ thể. Tuy nhiên, với việc triển khai Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm địa phương đã được tổ chức sản xuất bằng công nghệ mới, kiểm soát tốt tiêu chuẩn chất lượng, gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Phát huy thế mạnh địa phương
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.Hồ Chí Minh cho biết, Tp.Hồ Chí Minh triển khai Chương trình OCOP từ năm 2019, tập trung phát triển nhóm 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực là rau, hoa cây cảnh, bò sữa, heo, tôm, nước lợ, cá cảnh; nhóm 6 sản phẩm thuộc 6 làng nghề truyền thống và 4 sản phẩm nông thôn đặc trưng của huyện ngoại thành và 1 sản phẩm nông nghiệp mang đậm nét vùng miền của huyện Cần Giờ.
Sau 3 năm triển khai, Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm cho nhiều loại nông sản. Đến tháng 3/2022, Tp.Hồ Chí Minh có 27 sản phẩm của 11 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố (21 sản phẩm 4 sao và 6 sản phẩm 3 sao) và 1 sản phẩm được làm hồ sơ đề xuất công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Trong số đó, một số chủ thể có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao như Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ du lịch Đầu tư - Xây dựng Cần Giờ Tương Lai với các sản phẩm như xoài cát, khô cá dứa một nắng, tôm sú một nắng, tôm thẻ một nắng, tôm khô, tôm sú thiên nhiên, tôm thẻ tươi đông lạnh; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thiên nhiên Việt với các sản phẩm như bột rau má không đường, bột tía tô, bột diếp cá, bột lá sen, bột chùm ngây; Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên với các sản phẩm như mật ong rừng sữa ong chúa, hà thủ ô 5 trong 1…
Bà Nguyễn Thị Mộng Trinh, Trưởng phòng Kinh doanh Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ du lịch Đầu tư - Xây dựng Cần Giờ Tương Lai cho biết, Cần Giờ là huyện ven biển và được bao quanh bởi hệ thống sông ngòi dày đặc, rất thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản. Trong những năm qua, nghề nuôi trồng thuỷ sản của Tp.Hồ Chí Minh nói chung, huyện Cần Giờ nói riêng không ngừng phát triển với các mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ, các bóp, cá dứa. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi. trồng một cách tự phát cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh khiến hiệu quả bấp bênh, thiếu tính bền vững.
Thấy được những khó khăn đó, chính quyền địa phương đã vận động, tổ chức cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản liên kết thành lập tổ hợp tác, tổ chức tập huấn, hội thảo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trên cơ sở đó, năm 2019 Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ du lịch Đầu tư - Xây dựng Cần Giờ Tương Lai được thành lập (tiền thân là Tổ hợp tác Cầu Bà Chín), xây dựng cơ sở chế biến các loại thuỷ hải sản với công suất 2 tấn/ngày, cơ sở chế biến tổ chim yến công suất 3 kg/ngày đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và được chứng nhận HACCP CODEX.
Qua hơn 2 năm hoạt động, hợp tác xã đã xây dựng được chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các hộ dân sản xuất nông sản “sạch”, không dư lượng kháng sinh, hoá chất cấm sử dụng trong thực phẩm và xây dựng được thương hiệu các sản phẩm đặc sản Cần Giờ.
Theo bà Nguyễn Thị Mộng Trinh, thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh, Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai đề xuất 7 sản phẩm chứng nhận OCOP và đều đã được chứng nhận đạt OCOP 4 sao.
Thúc đẩy chế biến nông sản
Tp.Hồ Chí Minh không có nhiều chủng loại sản phẩm OCOP như các địa phương khác. Tuy nhiên, thế mạnh của thành phố là có công nghệ chế biến phát triển, từ đó gia tăng giá trị cho sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Công ty TNHH Đạt Butter tại huyện Củ Chi có 2 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao là bơ đậu phộng mịn và bơ đậu phộng có hạt. Mặc dù bơ hạt không phải là sản phẩm mới trên thị trường nhưng giá trị giúp các sản phẩm của Đạt Butter được đón nhận là được tạo ra từ nguồn nguyên liệu bản địa, phương thức canh tác và chế biến không hoá chất.
Anh Trần Đăng Đạt, thành viên sáng lập Đạt Butter chia sẻ, Đạt Butter là doanh nghiệp xã hội với sứ mệnh là giúp nông dân - những người trực tiếp tạo ra sản phẩm có vị trí xứng đáng hơn trong chuỗi giá trị và cải thiện thu nhập bằng cách hướng dẫn họ trồng và sản xuất các sản phẩm tự nhiên.
Đội ngũ Đạt Butter trực tiếp thử nghiệm trước giống cây trồng, phương pháp canh tác không hóa chất độc hại, sau đó từng bước hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân. Hiện tại, Đạt Butter đang hợp tác với 17 hộ nông dân ở Tp.Hồ Chí Minh và một số địa phương khác để liên kết sản xuất đậu phộng và mè không hoá chất. Sắp tới, Đạt Butter Để có được niềm tin từ nông dân, doanh nghiệp luôn đảm bảo đầu ra có giá tương xứng với công sức của bà con, để họ yên tâm lao động, sản xuất, không lo được mùa mất giá hay được giá mất mùa.
Theo ông Trần Đăng Đạt, Chương trình OCOP là một trong những chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế cho các sản phẩm địa phương, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đậu phộng và mè, sắp tới Đạt Butter sẽ mở rộng liên kết với nông dân để trồng những loại nông sản khác. Mục tiêu lâu dài mà doanh nghiệp hướng đến là phát triển nguồn nông sản xủa người nông dân Việt Nam thành những sản phẩm chế biến có giá trị cao hơn.
Tương tự như Đạt Butter, Công ty TNHH Phát triển Dừa nước Việt Nam (VIETNIPA) huyện Cần Giờ, doanh nghiệp có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cũng là điển hình trong việc liên kết với nông dân tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao cho sản vật địa phương.
Anh Phan Minh Tiến, Giám đốc VIETNIPA chia sẻ, dừa nước là loài cây rất quen thuộc với người dân tại huyện Cần Giờ, Tp.Hồ Chí Minh cũng như nhiều tỉnh Tây Nam bộ. Ước tính, chỉ riêng huyện Cần Giờ đã có 900 ha rừng dừa nước tự nhiên, cả khu vực Tây Nam bộ có trên 9.000 ha. Đây là nguồn nguyên liệu khổng lồ và được tái tạo tự nhiên. Song từ xưa đến nay, người dân địa phương chỉ biết khai thác lá để lợp nhà và dùng cơm dừa như một món ăn chơi dân dã, không mang lại nhiều giá trị kinh tế.
Từ năm 2019 đến nay, VIETNIPA đã lần lượt cho ra đời các sản phẩm mật dừa nước nguyên chất, mật dừa nước cô đặc, đường dừa nước từ nguyên liệu mật cuống dừa nước có giá trị kinh tế cao gấp hàng trăm lần so với việc khai thác lá và cơm dừa thông thường. Tới thời điểm hiện tại, VIETNIPA là đơn vị duy nhất ở Việt Nam khai thác và chế biến các sản phẩm từ mật dừa nước.
Theo anh Phan Minh Tiến, mục tiêu của VIETNIPA không chỉ là khai thác nguồn lợi kinh tế từ cây dừa nước mà còn giúp người nông dân tăng thu nhập, yên tâm bám đất, duy trì và bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng của địa phương. Hiện tại công ty đang liên kết với 7 hộ nông dân có tổng diện tích hơn 3ha, những nông dân này cũng trở thành nhân viên thu hoạch mật dừa nước, được trả lương cố định hàng tháng và đảm bảo có việc làm thường xuyên.
Ngoài ra, mỗi năm các hộ liên kết còn được chia lại một phần lợi nhuận từ việc bán các sản phẩm mật dừa nước. Nhờ đó, thu nhập hiện tại của các hộ đã đạt hơn 100 triệu đồng/năm, cao hơn gấp 10 lần so với trước đây chỉ khai thác lá và bán quầy trái.
Thời gian tới VIETNIPA sẽ tiếp tục mở rộng liên kết khai thác, chế biến nhằm tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân; đồng thời đẩy mạnh truyền thông về giá trị của cây dừa nước nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và góp phần nâng cao ý thức bảo vệ các nguồn lợi, hệ sinh thái tự nhiên cho địa phương và cả khu vực. (Xem tiếp Bài 2: Tạo vị thế vững chắc cho sản phẩm OCOP)
Xuân Anh