Theo báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nhu cầu đầu tư đến năm 2020 cho chương trình giảm ngập nước là trên 96.000 tỷ đồng; trong đó ngân sách thành phố chỉ đảm bảo cân đối khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu 588 tỷ đồng, còn lại là các nguồn xã hội hóa và vận động nguồn ODA.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với các chuyên gia nước ngoài dự hội nghị. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN |
Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, việc tăng cường thu hút đầu tư các nguồn lực trong và ngoài nước được xem là giải pháp hữu hiệu để giảm ngập cho thành phố. Thành phố mời gọi đầu tư 17 dự án thuộc lĩnh vực chống ngập và xử lý nước thải; trong đó có 7 dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải như nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tây Sài Gòn, nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, 6 dự án cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch như nạo vét kênh Vĩnh Bình, nạo vét rạch Thầy Tiêu, 3 dự án đê bao và các cống kiểm soát triều vòng ngoài của thành phố như cống kiểm soát triều sông Kinh, cống kiểm soát triều rạch Tra và 1 dự án ứng dụng công nghệ xử lý nước thải mới tại nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng... Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Tình trạng ngập nước trên địa bàn thành phố do nhiều nguyên nhân nhưng không có một nguyên nhân tổng thể, vì vậy chống ngập phải được thực hiện theo hướng xác định nguyên nhân gây ngập ở từng vị trí để thực hiện giải pháp phù hợp. Nhằm tạo điều kiện thuận lọi cho nhà đầu tư thực hiện các dự án chống ngập và xử lý nước thải trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung điều chỉnh quy hoạch thoát nước, quy hoạch chống ngập, xây dựng bản đồ mô phỏng tình hình ngập nước tổng thể của thành phố.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN |
“Chính quyền thành phố mong muốn các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa ra giải pháp, đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong quá trình thực hiện, Thành phố Hồ Chí Minh cam kết công khai, minh bạch”, ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh, Quy hoạch Tổng thể hệ thống thoát nước Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2001, trong phạm vi 581,51 km2 (thuộc 6 vùng thoát nước) cần phải có 6.000 km cống các loại, đến nay hệ thống cống hiện có là 4.176 km, chỉ đạt khoảng 69,6%. Toàn thành phố có 2.953 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài 4.369 km có vai trò quan trọng để tiêu thoát nước, đến nay chỉ mới cải tạo được 4 trục tiêu thoát nước chính có tổng chiều dài khoảng 60 km.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN |
Thành phố cần xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất 3.076.000 m3/ngày đêm, đến nay chỉ hoàn thành được nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 1) công suất 141.000 m3/ngày đêm, nhà máy xử lý nước thải Tham Lương công suất 131.000 m3/ngày đêm.
Trong khi đó, Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2008 mới thực hiện được khoảng 64/149 km đê bao ven sông Sài Gòn và 1/10 cống kiểm soát triều lớn (cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè), các hạng mục khác đang triển khai. Như vậy, thành phố cần một nguồn lực rất lớn để tiếp tục đầu tư các dự án chống ngập và xử lý nước thải.
Các nhà đầu tư giới thiệu về công nghệ thực hiện chống ngập và xử lý nước thải. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN |
Tại hội nghị, các chuyên gia và nhà đầu tư cũng đã giới thiệu và đề xuất một số giải pháp, công nghệ thực hiện chống ngập và xử lý nước thải như giải pháp Cross wave sử dụng mô đun nhựa xây dựng, lắp đặt ngầm dưới lòng đất nhằm mục đích điều tiết nước mưa của Công ty cổ phần phát triển hạ tầng kỹ thuật VMCTech; giải pháp phát triển không gian điều tiết nước mưa của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Châu Nguyễn Minh Quang, Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, công cụ hỗ trợ cảnh báo ngập và hệ thống vận hành đồng bộ các dự án về chống ngập và xử lý nước thải của ông Frits J.H Dirks, đại diện Công ty tư vấn Royal Haskoning DHV, Hà Lan…./.
Nguyễn Xuân Dự
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN