Trong lúc chăm sóc, huấn luyện các loại trâu để sản xuất tinh, cán bộ trung tâm sẽ theo dõi tuổi, khối lượng, đánh giá một số đặc điểm sinh học của tinh dịch trâu đực giống Murrah và trồng cỏ làm thức ăn thô, xanh cho trâu. Cán bộ trung tâm thực hiện nghiên cứu, lựa chọn môi trường sản xuất tinh trâu dạng cọng rạ để sản xuất ra các liều tinh trâu đông lạnh dạng cọng rạ đảm bảo chất lượng.
Hiện đề tài đã tuyển chọn được 3 trâu đực giống đang nuôi dưỡng tại Trại thực nghiệm và 2 trâu đực giống Murrah F1 để huấn luyện, khai thác tinh. Tất cả các sản phẩm tinh trâu sau khi sản xuất sẽ được phối giống tại nhà những hộ dân sống trong diện thực hiện đề tài ở địa bàn 5 huyện và tại trung tâm. Ngoài ra, đề tài cũng đã đào tạo được 5 kỹ thuật viên làm công tác huấn luyện, khai thác sản xuất tinh và tập huấn 20 kỹ thuật viên làm công tác thụ tinh nhân tạo bằng tinh trâu đông lạnh cọng rạ, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục chăm sóc, huấn luyện trâu đực, sau đó đưa vào khai thác sản xuất, thử nghiệm sản phẩm tinh trâu để phối giống, chăm sóc các con nghé mới chào đời. Trung tâm phấn đấu khi kết thúc đề tài sẽ sản xuất được 10.000 liều tinh trâu đông lạnh dạng cọng rạ để phối giống cho 450 con trâu cái, qua đó tạo ra 200 con nghé.
Thực hiện đề tài này sẽ giúp Trung tâm nghiên cứu ra phương pháp ứng dụng công nghệ sản xuất tinh trâu cọng rạ để chủ động công tác thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần tăng tầm vóc, cải tiến chất lượng đàn trâu, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.