Thanh Hóa phù hợp với 2 giống sắn kháng bệnh virus khảm lá

Qua kiểm tra cho thấy giống HN3 và HN5 kháng 100% với dịch khảm lá. Ảnh: Lê Đức Hoảnh-TTXVN
Qua kiểm tra cho thấy giống HN3 và HN5 kháng 100% với dịch khảm lá. Ảnh: Lê Đức Hoảnh-TTXVN

Niên vụ 2022-2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa) đã phối hợp với các huyện Ngọc Lặc, Như Xuân xây dựng thành công mô hình trồng các giống sắn là HN3 và HN5 do Viện Di truyền nông nghiệp cung ứng. Đây là giống kháng bệnh khảm lá virus hại sắn.

Thanh Hóa phù hợp với 2 giống sắn kháng bệnh virus khảm lá ảnh 1Qua kiểm tra cho thấy giống HN3 và HN5 kháng 100% với dịch khảm lá. Ảnh: Lê Đức Hoảnh-TTXVN

Quá trình thực hiện mô hình, người dân được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp và hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Kết quả cho thấy, trên cùng 1 chân đất, các giống này hoàn toàn kháng được bệnh khảm lá, trong khi giống đối chứng KM94 truyền thống do nông dân sản xuất trên cùng cánh đồng thì tỷ lệ bệnh từ 90 - 100%.

Ngoài việc kháng được bệnh virus khảm lá ở sắn, các giống HN3, HN5 còn cho thấy khả năng phù hợp với chất đất ở tỉnh Thanh Hóa thể hiện ở chỗ sắn có tỷ lệ nẩy mầm đạt 80 - 85%, cây cứng, khỏe, năng suất đạt 30 tấn/ha (năng suất trung bình ở Thanh Hóa đạt 16,5 tấn/ha).

Việc xây dựng thành công 2 giống sắn kháng bệnh virus khảm lá này còn giúp bà con nông dân tăng thêm thu nhập bởi năng suất sắn cao, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật định kỳ. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng tới nền nông nghiệp xanh.

Ông Nguyễn Đình Sơn, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, sau khi xây dựng thành công 2 giống sắn kháng bệnh virus khảm lá, chi cục sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy được ý nghĩa và hiệu quả của 2 giống sắn này, đồng thời hướng dẫn, tập huấn quy trình trình trồng, chăm sóc 2 giống sắn này cho bà con nông dân.

Thanh Hóa có quy hoạch 13.500 ha để trồng sắn tại 12 huyện. Trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn có tổng công suất trên 220.000 tấn./năm.

Trịnh Duy Hưng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm