Năm 2023, tỉnh Quảng Bình trồng trên 6.500 ha sắn nguyên liệu nhưng có trên 2.000 ha mắc bệnh khảm lá sắn. Hiện tại, sắn đang bước vào giai đoạn thu hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý tốt, hạn chế lây lan, ảnh hưởng đến sản xuất sắn niên vụ 2024.
Theo đó, với diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá sắn, các địa phương đơn vị cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc tiêu hủy các cây sắn bị nhiễm bệnh (gồm rễ, gốc, thân, lá) khi thu hoạch. Để bảo đảm tiêu diệt mầm bệnh khảm lá sắn hiệu quả, ngoài việc tiêu hủy triệt để cây sắn bị nhiễm bệnh, không có biểu hiện triệu chứng nhiễm bệnh khảm lá sắn trên diện tích sắn này cũng không được sử dụng làm hom giống, cọc rào, choái cây.
Các địa phương cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi diện tích trồng sắn niên vụ 2023 bị nhiễm bệnh khảm lá sắn sang trồng cây trồng khác. Đặc biệt, đối với diện tích bị nhiễm bệnh nặng phải chuyển đổi sang trồng cây trồng khác ít nhất là 1 năm; cây trồng chuyển đổi cần linh hoạt, tùy vào điều kiện thực tế của vùng đất và tập quán canh tác của từng địa phương để bảo đảm hiệu quả; tuyệt đối không trồng các cây là ký chủ của bọ phấn trắng như: thuốc lá, cây họ cà, bầu bí, ớt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo các địa phương khoanh vùng ruộng sắn chưa bị nhiễm bệnh khảm lá sắn (ruộng sạch bệnh), ưu tiên chọn ruộng sạch bệnh nằm xa và biệt lập về mặt địa lý với ruộng sắn bị nhiễm bệnh để làm giống, bảo đảm vừa đủ về số lượng vừa đạt chất lượng hom giống sạch bệnh cho kế hoạch trồng sắn niên vụ 2024.
Ông Hồ Khắc Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình cho biết, nguyên nhân chính của bệnh khảm lá sắn là do người dân lấy giống sắn đã nhiễm bệnh từ ngoại tỉnh về trồng. Đặc biệt, bệnh khảm lá sắn lây lan nhanh qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng, bọ phấn trắng trưởng thành có khả năng bay và phổ gây hại rộng trên nhiều loại cây trồng khác. Vì vậy, để việc phòng trừ bệnh khảm lá sắn đạt hiệu quả cao, các địa phương và bà con nông dân trồng sắn cần nghiêm túc thực hiện đồng bộ các giải pháp theo hướng dẫn, chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình.
Hiện tại, sắn đang bước vào vụ thu hoạch, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thân, lá sắn ra, vào địa bàn; xử lý nghiêm trường hợp đưa cây sắn từ vùng đang nhiễm bệnh khảm lá sắn về làm hom giống để trồng.
Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đưa một số giống sắn đã được xác định có khả năng kháng bệnh khảm lá sắn về trồng thử nghiệm diện hẹp trên địa bàn để đánh giá, xác định giống phù hợp với điều kiện sản xuất sắn tại địa phương, làm cơ sở đưa vào cơ cấu thay dần các giống đang bị nhiễm bệnh khảm lá sắn trong thời gian tới.
Theo ông Hồ Khắc Minh, cây sắn nguyên liệu là cây trồng mang lại thu nhập kinh tế ổn định cho người dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, năng suất trung bình hàng năm đạt trên 20 tấn/ha. Vụ sắn năm 2023 là năm đầu tiên tại tỉnh Quảng Bình ghi nhận tình trạng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá trên diện rộng.
Tuy nhiên, do tỉnh Quảng Bình chủ yếu sử dụng giống sắn KM 94, là giống sắn có khả năng chống chịu tốt với bệnh khảm lá nên thiệt hại là không nhiều. Các diện tích bị bệnh năng suất ước giảm từ 10-20%. Tuy nhiên, giá sắn hiện đang khá cao, khoảng 3 ngàn đồng/kg (cao hơn so với các năm trước khi giá sắn trung bình chỉ khoảng 2000 đồng/kg).
Tá Chuyên