Thanh Hóa dành 22,6 tỷ đồng đổi mới hoạt động Bảo tàng tỉnh

Bảo tàng tỉnh là một quần thể kiến trúc cổ gồm ba toà nhà kiên cố được xây dựng từ thời thuộc Pháp. Ảnh : tpthanhhoa.thanhhoa.gov.vn
Bảo tàng tỉnh là một quần thể kiến trúc cổ gồm ba toà nhà kiên cố được xây dựng từ thời thuộc Pháp. Ảnh : tpthanhhoa.thanhhoa.gov.vn

Nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong quá trình tổ chức hoạt động để Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội, thực sự trở thành trung tâm giáo dục thường xuyên về truyền thống yêu nước, tỉnh Thanh Hóa sẽ dành 22,6 tỷ đồng để thực hiện đề án "Đổi mới hoạt động Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030".

Thanh Hóa dành 22,6 tỷ đồng đổi mới hoạt động Bảo tàng tỉnh ảnh 1Bảo tàng tỉnh là một quần thể kiến trúc cổ gồm ba toà nhà kiên cố được xây dựng từ thời thuộc Pháp. Ảnh: tpthanhhoa.thanhhoa.gov.vn

Theo đó, giai đoạn 2023-2025, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa tập trung nâng cao chất lượng công tác trưng bày, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, dịch vụ phục vụ du khách tham quan, đồng thời tăng cường công tác quảng bá, phối hợp các đơn vị du lịch thu hút du khách. Giai đoạn này, Bảo tàng phấn đấu thu hút, đón tiếp và phục vụ được từ 27.000 đến 35.000 lượt khách/năm; thu bán vé các hoạt động dịch vụ bình quân đạt từ 300 đến 400 triệu đồng/năm và số hóa từ 10 đến 15% hiện vật, tư liệu đang lưu giữ tại bảo tàng.

Giai đoạn 2026-2030, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng công tác trưng bày, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, lựa chọn ưu tiên hình thức khám phá, vui chơi, giải trí đủ sức hấp dẫn thu hút công chúng. Bảo tàng phấn đấu thu hút, đón tiếp và phục vụ được từ 35.000 đến 45.000 lượt khách/năm; thu bán vé các hoạt động dịch vụ bình quân đạt từ 500 đến 700 triệu đồng/năm; số hóa hiện vật, tư liệu đạt từ 20 đến 30% tổng số lượng hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng; ứng dụng công nghệ 4.0 của 4 phòng trưng bày cố định theo tiến trình lịch sử, được sử dụng hệ thống thuyết minh tự động thông minh.

Đặc biệt, đề án "Đổi mới hoạt động Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030" sẽ giúp Bảo tàng bổ sung, hoàn thiện các bộ sưu tập hiện vật đáp ứng công tác chỉnh lý trưng bày và trưng bày, đẩy mạnh công tác giới thiệu quảng bá giá trị các sưu tập hiện vật tiêu biểu đặc sắc về vùng đất, lịch sử, văn hóa, con người tỉnh Thanh Hóa đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Từ đó xây dựng và nâng cao thương hiệu của bảo tàng, từng bước đưa Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn trong nước và quốc tế.

Theo đề án này, ngoài 7 phòng trưng bày hiện có, tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng thêm 1 phòng trưng bày ứng dụng khoa học công nghệ (thể nghiệm) nhằm làm thay đổi diện mạo trưng bày tại bảo tàng, làm hình mẫu cho trưng bày hiện đại trong đó chủ đề/nội dung trưng bày chuyên đề thể hiện đặc trưng, tiêu biểu nền văn hóa của tỉnh Thanh Hóa (văn hóa Đông Sơn, đá Thanh Hóa...). Phòng trưng bày này được ưu tiên đầu tư về trang thiết bị, ứng dụng khoa học, công nghệ, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật, đa phương tiện trưng bày. Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang xây dựng các bộ sưu tập hiện vật, số hóa hiện vật và tổ chức hoạt động giáo dục. Hiện Bảo tàng tỉnh đã đưa vào phục vụ khách tham quan sản phẩm số hóa 3 Bảo vật quốc gia là kiếm ngắn Núi Nưa, trống đồng Cẩm Giang I và vạc đồng. Các sản phẩm số hóa giúp khách tham quan dễ dàng nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về các bảo vật qua máy tính, smartphone. Khách được tiếp cận gần hơn với hình ảnh hiện vật, hoa văn trang trí, các video, bài viết nghiên cứu... và chiêm ngưỡng hình ảnh các bảo vật quốc gia từ nhiều góc độ qua hoạt động tương tác 3D.

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa được xây dựng từ thời Pháp thuộc, là nơi hội tụ các Di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc của xứ Thanh. Hệ thống kho cơ sở của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang lưu giữ, bảo quản gần 30.000 hiện vật trong đó có nhiều sưu tập hiện vật độc đáo, quý hiếm được các chuyên gia trong nước và nước ngoài đánh giá cao như sưu tập hiện vật thời Tiền - Sơ sử, sưu tập vũ khí Đông Sơn, sưu tập gốm Tam Thọ, sưu tập tiêu bản các loài thú quý hiếm... Đặc biệt, có 3 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2013 và bộ sưu tập trống đồng với số lượng lớn nhất trong cả nước. Đây đều là những hiện vật gốc, độc bản, có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử đang được lưu giữ, trưng bày, góp phần phục vụ nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của đông đảo nhân dân và du khách.

Hoa Mai

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm