Từ ngày 1 đến 31/1/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động tháng 1 với chủ đề “Xuân về trên bản làng” giới thiệu các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số và những nét văn hóa, các hoạt động truyền thống đón Tết cổ truyền đặc trưng các dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ cùng phát triển nhân dịp năm mới 2025.
Các hoạt động tháng 1 với sự tham gia của khoảng 100 đồng bào của 16 dân tộc Nùng,Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Bahnar, Xê Đăng, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Khmer đến từ các địa phương trên cả nước.
Bên cạnh hoạt động “Chợ phiên vùng cao – Chào năm mới 2025” là hoạt động điểm nhấn “Xuân về bản em” với các chương trình dân ca, dân vũ “Đón xuân ở bản em”; Tái hiện lễ tạ ơn của đồng bào dân tộc Dao và chương trình giao lưu “Xuân về trên cao nguyên” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đón mừng năm mới 2025 bằng lời ca tiếng hát, diễn xướng dân gian hòa chung niềm vui, sự tin tưởng và quyết tâm đồng lòng bảo tồn phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng tại “Ngôi nhà chung”.
Bà con đồng bào các dân tộc đang hoạt động tại “Ngôi nhà chung” sẽ tổ chức trang trí không gian đón Tết tại các làng dân tộc đang hoạt động hằng ngày. Sửa soạn bàn thờ ngày Tết, treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc và trang trí không gian nhà theo đúng phong tục truyền thống của các dân tộc…
Phong tục “Dựng cây Nêu ngày Tết” cũng sẽ được tổ chức để khắc ghi những phong tục tập quán truyền thống của dân tộc Việt Nam. Dựng cây nêu là phong tục có ý nghĩa đối với nhiều dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Cây nêu không chỉ thể hiện ý nghĩa “tống cựu, nghinh tân”, là biểu tượng tâm linh mà còn chuyển tải những ý nghĩa nhân sinh tốt đẹp. Người Việt coi cây nêu là trục vũ trụ, là cột nối giữa trời và đất. Dựng cây nêu ngày Tết cũng là hoạt động được tổ chức đều đặn hằng năm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm giới thiệu với du khách những phong tục lâu đời trong Tết Việt. Ngọn nêu vươn cao, mang theo ước vọng về một năm mới bình yên, hạnh phúc, thuận hòa tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em.
Hoạt động “Bữa cơm đoàn viên” cũng sẽ được tổ chức nhằm gắn kết, tăng thêm sự sẻ chia, quan tâm lẫn nhau giữa đồng bào các dân tộc.
Đặc biệt, chương trình “Hội xuân” vui đón Tết Nguyên đán năm 2025 cũng được tổ chức với các chương trình đặc sắc như: Chương trình đón tết của đồng bào các dân tộc phía Bắc; Chương trình dân ca dân vũ “Xuân sum họp” với các ca khúc về mùa xuân, những nét rộn ràng khi mùa xuân về khắp buôn làng, phum sóc. Giới thiệu âm nhạc dân gian các dụng cụ từ tre nứa như đàn Đing pút, Đàn tơ rưng…những bản nhạc về mùa xuân, về Đảng, Bác Hồ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của dân tộc Khmer…
Bên cạnh đó là các hoạt động hằng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... góp phần giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Hoàng Tâm