Hội thảo quốc tế về chuyển đổi bảo tàng sáng tạo

Hội thảo quốc tế về chuyển đổi bảo tàng sáng tạo

Ngày 4/11, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (VME) phối hợp với Trung tâm Quốc tế về Lãnh đạo Văn hóa hòa nhập (Đại học Quốc gia Anant Ấn Độ); Bảo tàng Hòa nhập và Phát triển Di sản bền vững (Ấn Độ) tổ chức hội thảo quốc tế “Mục tiêu phát triển bền vững - Những chuyển đổi bảo tàng sáng tạo”. Hội thảo sẽ là diễn đàn cho các bảo tàng trong nước và quốc tế có thể nâng cao hiểu biết và kinh nghiệm trong bối cảnh ứng phó với những tác động và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết: Các mục tiêu phát triển bền vững là chương trình toàn cầu đầy nhằm giải quyết một loạt thách thức xã hội và môi trường, đưa thế giới đi tới một tương lai bền vững vào năm 2030. Các mục tiêu phát triển bền vững đã được 193 thành viên Liên hợp quốc nhất trí vào tháng 9/2015. Các mục tiêu phát triển không chỉ dành cho các chính phủ mà còn là kêu gọi mọi thành phần của xã hội, ở mọi nơi, hợp tác và tham gia vào việc đạt được Chương trình nghị sự năm 2030.

Hội thảo cũng nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ lãnh đạo, quản lý, nhân viên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thông qua việc tìm hiểu diễn ngôn quốc tế đương đại về bảo tàng học, tập trung vào các bảo tàng dân tộc học, nhân học; xem xét tác động của COVID-19 và sự tham gia của các bảo tàng kết hợp cả hình thức trực tuyến và trực tiếp; xem xét các nghiên cứu từ những khu vực khác nhau trên thế giới trong việc hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững; xác định những ưu tiên của các bảo tàng trong giải quyết vấn đề di sản vật thể và phi vật thể của các nhóm dân tộc dễ bị tổn thương gắn với biến đổi khí hậu…

Bàn về đời sống đương đại là một nhân tố giúp bảo tàng phát triển bền vững, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, cho biết: Đời sống đương đại gắn bó mật thiết với cộng đồng, sự quan tâm của cộng đồng chính là cầu nối cộng đồng với bảo tàng và ngược lại. Trưng bày về đời sống đương đại gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững là những trưng bày có nhiều cơ hội hợp tác với các đơn vị tổ chức ở các cấp độ khác nhau; Trưng bày về đời sống đương đại thường chạm đến sự quan tâm, bức xúc của xã hội là những vấn đề thu hút của đông đảo người xem, góp phần tăng uy tín xã hội và thu nhập cho bảo tàng.

Chia sẻ một số gợi ý về việc triển khai số hóa hiện vật trong các bảo tàng tỉnh, thành phố hiện nay, Tiến sỹ Phan Văn Lợi, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, cho biết: Nhìn chung, số hóa và hiện vật số hóa trong hệ thống bảo tàng ở Việt Nam nói chung và các bảo tàng tỉnh, thành phố nói riêng là một xu thế tất yếu. Cho đến nay, hầu hết các bảo tàng tỉnh, thành phố bảo tàng ở khu vực phía Bắc cho thấy, hoạt động số hóa mới đang được manh nha triển khai với quy mô, mức độ khác nhau. Tuy nhiên, muốn hoạt động số hóa được hiệu quả thì mỗi bảo tàng cần phải thực hiện tốt công việc tư liệu hóa hồ sơ hiện vật bởi đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để tiến hành số hóa hiện vật; chính quyền các địa phương nên căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương để phân bổ nguồn lực (nhất là kinh phí) cho các bảo tàng để hoạt động số hóa hiện vật đạt hiệu quả cao nhất.

Giáo sư, Tiến sỹ Amareswar Gall, Đại học Quốc gia Anant, Ấn Độ, Chủ tịch UNESCO về Bảo tàng Hòa nhập và Phát triển di sản bền vững, cho biết: Hiện nay, dịch COVID-19 và khủng hoảng khí hậu, tính dễ bị tổn thương của các nhóm dân tộc ở vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa đã trở thành thách thức toàn cầu đối với các bảo tàng. Một trong những lĩnh vực chưa được giải quyết là việc xem xét lại các bảo tàng với Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

“Năm 2015, UNESCO đã đưa ra một số khuyến nghị rất hữu ích liên quan đến bảo vệ và phát huy các bảo tàng và bộ sưu tập như: Khuyến nghị năm 2015 về Bảo tàng; khuyến nghị về Di sản phi vật thể và cảnh quan đô thị lịch sử (HUL) năm 2003 đưa ra các tiêu chuẩn đầy tham vọng về di sản bảo tàng. Điều này nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa các bảo tàng và sự phát triển bền vững”, Giáo sư, Tiến sỹ Amareswar Gall nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận những xu hướng mới và những bài học kinh nghiệm trong lập kế hoạch bảo tàng gắn với các mục tiêu phát triển bền vững… đồng thời đề xuất các giải pháp về việc chuyển đổi bảo tàng nhằm phát bền vững trong thời gian tới.

Diệu Thúy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm