Thanh Hóa chuyển đổi đất lúa sang cây trồng mang hiệu quả kinh tế cao

Thanh Hóa chuyển đổi đất lúa sang cây trồng mang hiệu quả kinh tế cao

Nhằm gia tăng giá trị canh tác, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản. Từ đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp mới đã xuất hiện, tạo ra sản phẩm chất lượng để tiến tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Thanh Hóa chuyển đổi đất lúa sang cây trồng mang hiệu quả kinh tế cao ảnh 1Cánh đồng mẫu lớn tại xã Xuân Minh được liên kết sản xuất giữa HTX dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn xã Xuân Minh và Tập đoàn ThaiBinh Seed. Ảnh: baothanhhoa.vn

Tại xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, nhờ mạnh dạn chuyển đổi mô hình trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn quả từ 2010 đã tạo nên những vùng chuyên canh cây đặc sản quy mô lớn. Nơi đây, nổi tiếng với đặc sản bưởi đỏ Luận Văn tiến vua. Từ năm 2020 đến nay, xã đã mở rộng diện tích nâng tổng diện tích canh tác bưởi tiến vua lên 35 ha. Đây là giống bưởi quý với giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo.

Theo ông Lê Minh Tâm, chủ vườn cây ăn quả xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, do trước đây gia đình trồng lúa, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, được sự tư vấn của nhiều người, gia đình đã tiên phong đi đầu tiên trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bỏ trồng lúa, chuyển sang trồng bưởi Luận Văn. Sau khi được UBND xã Thọ Xương tư vấn, cũng như tạo điều kiện tích tụ đất đai để quy hoạch thành vùng cây ăn quả này, gia đình đã nhập nhiều giống cây mới về trồng.

Nhờ tuân thủ kỹ thuật, cũng như quy trình chăm sóc, bón phân, tới nay gia đình đã có một trang trại lớn trồng bưởi Luận Văn theo hướng công nghệ cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thu nhập đạt 500 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân khẳng định, hiện nay, những mô hình về nông nghiệp công nghệ cao đang có thu nhập từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/ha canh tác đối với nhà màng, nhà lưới. Đối với vùng cây ăn quả thu từ 400 - 500 triệu đồng/ha. Việc tích tụ tập trung đã thay đổi đời sống người dân, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Còn tại huyện Triệu Sơn, từ khi UBND huyện thực hiện chủ trương tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, chuyển đổi mô hình lúa kém hiệu quả để trú trọng những cây trồng có giá trị kinh tế cao, đến nay ngành sinh vật cảnh đang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn. Đặc biệt, tại các xã người dân đã chuyển đổi sang mô hình trồng kinh doanh hoa, cây cảnh, toàn huyện Triệu Sơn có trên 1.200 hộ sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh.

Qua từng năm, thu nhập từ nghề sinh vật cảnh từ 600 trăm triệu đến 1 tỷ đồng/năm mang lại đời sống khấm khá cho nông dân. Hiện nghề kinh doanh sinh vật cảnh đã mang lại đổi thay bộ mặt nông thôn, sự phát triển về kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần. Nhiều hộ dân có vườn sinh vật cảnh đã trở thành địa điểm thu hút khách du lịch, phát triển dịch vụ.

Theo ông Trần Sĩ Toàn, Chủ nhà vườn sinh vật cảnh, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, thời kỳ đầu, gia đình trồng lúa nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi đi tham quan, học hỏi nhiều mô hình kinh tế mới, ông Toàn nhận thấy nếu cứ trồng lúa thì hiệu quả kinh tế không cao nên đã chuyển sang trồng, kinh doanh cây cảnh, nếu so với cây lúa, thì trồng cây cảnh lợi nhuận cao hơn, nhất là dịp tết đến, xuân về.

Bên cạnh đó, so với công việc đồng áng, nghề sinh vật cảnh đòi hỏi cao về sự hiểu biết cây trồng, kỹ thuật chăm sóc và tính thẩm mỹ. Hiện vườn nhà ông Toàn chủ yếu trồng cây Tùng La Hán. Loài cây cảnh này được nhiều người yêu thích bởi kiểu dáng đẹp mắt, độc đáo và sức sống bền bỉ. Loại cây này được chăm sóc đặc biệt, cây càng lâu năm thì càng có giá trị, từ vài chục triệu hay đến vài trăm triệu đồng, nhờ nghề kinh doanh sinh vật cảnh, mỗi năm gia đình thu nhập từ 800 triệu đồng.

Ông Nguyễn Sỹ Chức, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Lý cho biết, so với các ngành nông nghiệp khác, ngành trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập hàng chục lần nên nông dân hăng hái du nhập các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hiện xã đã nhân rộng mô hình này ra địa bàn, đồng thời hướng dẫn người dân những kỹ thuật mới để trồng trọt, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Lã Văn Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Sơn, thời gian qua, huyện Triệu Sơn đã thực hiện tích tụ tập trung đất đai trên đất lúa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Như cây đào là ví dụ rất hiệu quả và gắn với chế biến, tiêu thụ, liên kết để nâng cao giá trị trên 1 đơn vị diện tích. Nhờ đó, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề trồng sinh vật cảnh, là minh chứng cho sự đúng đắn trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thời gian tới, cùng với việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, UBND huyện Triệu Sơn tiếp tục quan tâm, đầu tư nâng cấp hệ thống kênh mương để phục vụ sản xuất sinh vật cảnh tập trung chuyên canh trên địa bàn; đồng thời, phát triển làng nghề sinh vật cảnh, đẩy mạnh quảng bá, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Tỉnh Thanh Hoá đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách đủ mạnh để tổ chức lại sản xuất theo hướng lợi thế của từng địa phương. Đồng thời, nâng cao vai trò, năng lực trong quản lý, quản trị, tổ chức sản xuất của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm