Thanh Hóa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống dân tộc Thái

Bộ cồng chiêng của người Thái Thanh Hóa gồm 4 chiếc, tượng trưng cho 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN
Bộ cồng chiêng của người Thái Thanh Hóa gồm 4 chiếc, tượng trưng cho 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Bà Nguyễn Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Để tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn huyện Thường Xuân nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung, Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thường Xuân mở lớp tập huấn “Phục dựng, truyền dạy cách thức khặp giao duyên, khua luống, khèn bè, sáo ôi dân tộc Thái” cho các học viên là những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu được tuyển chọn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống dân tộc Thái ảnh 1Bộ cồng chiêng của người Thái Thanh Hóa gồm 4 chiếc, tượng trưng cho 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Trong khuôn khổ chương trình tập huấn diễn ra từ ngày 16-22/6, các học viên đã được các nghệ nhân ưu tú, đạo diễn, biên đạo múa truyền dạy những kiến thức về các thể loại diễn tấu điệu khua luống của dân tộc Thái, các điệu múa dân gian dân tộc Thái, các kỹ năng gõ chày tạo âm thanh cũng như tìm hiểu sâu hơn về một số điệu dân ca, dân vũ dân tộc Thái như: Khặp giao duyên, khèn bè, sáo ôi... Bên cạnh đó, các học viên được dạy các kỹ năng truyền thông, quảng bá về điệu khua luống, nhảy sạp gắn với phát triển du lịch và thực hành xây dựng một chương trình văn nghệ.

Thanh Hóa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống dân tộc Thái ảnh 2Các học viên đã được truyền dạy những kiến thức về các thể loại diễn tấu điệu khua luống của dân tộc Thái, các điệu múa dân gian dân tộc Thái. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Sau khi được tiếp nhận những kiến thức, kỹ năng, các học viên sẽ là nhân tố quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của điệu khua luống, nhảy sạp nói riêng, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái nói chung. Đây cũng là những nội dung thuộc đề án “Nghiên cứu, phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phục vụ phát triển du lịch”.

Thanh Hóa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống dân tộc Thái ảnh 3Diễn tấu điệu khua luống của dân tộc Thái, các điệu múa dân gian dân tộc Thái.Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Thanh Hóa hiện có hơn 260.000 người Thái sinh sống (chiếm 35,6% trong số các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa), chủ yếu ở 8 huyện vùng thượng du, các xã miền núi khu vực trung du, đồng bằng trong tỉnh. Là cư dân bản địa, chủ nhân của nền văn hóa thung lũng, đồng bào Thái ở Thanh Hóa còn bảo lưu được những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần tiêu biểu, đặc trưng, góp phần tạo dựng nên bản sắc cộng đồng dân tộc Thái ở Việt Nam.

Di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Thái xứ Thanh còn lưu giữ và thực hành khá phong phú, độc đáo với nhiều thể loại đã tạo nên sức hấp dẫn, thể hiện qua truyền thuyết, chuyện kể, chuyện thơ dân gian, hệ thống tín ngưỡng đa dạng, lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp...

Hoa Mai

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm