Thái Nguyên: Ưu tiên phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn

Thái Nguyên: Ưu tiên phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn

Với mục tiêu đến năm 2030, sẽ có ít nhất 32% trẻ em độ tuổi nhà trẻ và 96% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo tại các xã vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non, tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2030.

Thái Nguyên: Ưu tiên phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn ảnh 1Học sinh Trường Mầm non Chợ Chu, Định Hóa (Thái Nguyên) trong giờ ăn trưa. Ảnh: thainguyen.gov.vn

Theo đó, tỉnh chú trọng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn; nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ. Tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; triển khai chương trình giáo dục mầm non phù hợp với vùng khó khăn, phù hợp với đặc điểm tiếp nhận và văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ. Đồng thời, Thái Nguyên huy động các nguồn lực phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn; đẩy mạnh nâng cao nhận thức đối với các cấp chính quyền, cộng đồng, cha mẹ trẻ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường đối với việc đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn.

Cụ thể, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn sẽ được tỉnh rà soát, nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn, quan tâm đối tượng trẻ em độ tuổi nhà trẻ, bao gồm một số chính sách như hỗ trợ ăn trưa, miễn giảm học phí; phấn đấu bảo đảm định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định đối với vùng khó khăn, ưu tiên giáo viên dạy nhóm, lớp tại điểm lẻ ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn theo quy định. Tỉnh rà soát, nghiên cứu chính sách đối với đội ngũ giáo viên vùng khó khăn, quan tâm đội ngũ trực tiếp dạy trẻ em người dân tộc thiểu số; sử dụng đội ngũ giáo viên là người địa phương dạy trẻ em người dân tộc thiểu số; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với giáo viên công tác ở vùng khó khăn.

Để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn, tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về công tác quản lý, triển khai chương trình giáo dục mầm non phù hợp với đặc điểm trẻ em vùng khó khăn…

Tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Bảo đảm cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025” đáp ứng nhu cầu tới trường, lớp của trẻ em, quan tâm đến đối tượng trẻ em nhà trẻ, mẫu giáo 3-4 tuổi; bổ sung tài liệu, học liệu phục vụ việc tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ và nâng chất lượng giáo dục mầm non vùng khó khăn…

Theo báo cáo của ngành Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên, toàn tỉnh hiện có 248 trường mầm non/178 xã, phường, thị trấn, trong đó, số trường mầm non tại vùng khó khăn là 50 trường; số nhóm, lớp tại vùng khó khăn là 553 nhóm/lớp; tỷ lệ huy động trẻ mầm non đi học tại vùng khó khăn của tỉnh đến trường đạt 66,6%. Hiện tại, giáo dục mầm non vẫn còn gần 70 phòng học nhờ, mượn hoặc sử dụng các phòng chức năng làm phòng học cho trẻ. Tổng số giáo viên đang công tác tại vùng khó khăn là 1.115 người, trong đó biên chế là 863 người và định mức thuê khoán là 252 người; định mức giáo viên/nhóm, lớp tại trường, điểm trường thuộc vùng khó khăn là 1,84 giáo viên/nhóm, lớp.

Ưu tiên phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn của tỉnh Thái Nguyên là hướng đi quan trọng, bảo đảm mọi trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, công bằng và bình đẳng. Trong đó, khẳng định giáo dục mầm non là nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm hình thành những yếu tố căn bản về nhân cách cho trẻ em trước khi vào lớp một.

Thu Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm