Thái Nguyên khống chế bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò

Tiêm vaccine viêm da nổi cục trên trâu bò. Ảnh: Thu Hằng-TTXVN
Tiêm vaccine viêm da nổi cục trên trâu bò. Ảnh: Thu Hằng-TTXVN

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên cho biết, dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò tại địa phương đã được khống chế, hiện không phát sinh thêm trâu, bò mắc bệnh.

Dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò xảy ra tại tỉnh Thái Nguyên từ đầu tháng 1/2021. Dịch bệnh lây lan tại 137 xã, phường của 9/9 huyện, thành phố, thị xã với tổng số gia súc mắc bệnh 2.640 con, tiêu huỷ 562 con. Đến nay, hầu hết số trâu, bò mắc bệnh đã khỏi triệu chứng lâm sàng; 136/137 xã, phường đã công bố hết dịch, còn một xã đang hoàn thiện các thủ tục để công bố hết dịch.

Thái Nguyên khống chế bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò ảnh 1Tiêm vaccine viêm da nổi cục trên trâu bò. Ảnh: Thu Hằng-TTXVN

Để khống chế dịch bệnh nhanh chóng, các cấp ngành, địa phương đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp như: giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, phun tiêu độc khử trùng ổ dịch…

Tỉnh Thái Nguyên cũng hỗ trợ 100% kinh phí mua vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Từ đó, nâng tỷ lệ tiêm phòng trên 80% tổng đàn trâu, bò, tạo miễn dịch cho đàn gia súc. Chi cục Chăn nuôi, thú y và thuỷ sản Thái Nguyên cấp trên 25.000 lít hoá chất, hơn 200 kg vibazone; đồng thời, thực hiện 2 đợt phun khử trùng, tiêu độc phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên toàn tỉnh, khử trùng tiêu độc tại vùng dịch, vùng dịch uy hiếp, tiêu diệt mầm bệnh.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cũng triển khai hàng loạt giải pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh như: kiểm tra, giám sát chặt chẽ các địa điểm buôn bán, giết mổ, trung chuyển trâu, bò; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc, nhất là trâu, bò không rõ nguồn gốc, nhập lậu vào địa bàn để tiêu thụ, không có kiểm dịch của cơ quan thú y. Ngoài ra, thực hiện cách ly, quản lý chặt chẽ toàn bộ số gia súc mắc bệnh với gia súc chưa mắc bệnh; tiêu hủy số gia súc chết do mắc bệnh nhằm khoanh vùng, dập tắt dịch bệnh.

Tỉnh cũng tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch cho người chăn nuôi và ký cam kết đối với tất cả các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, nghiêm cấm việc giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, mua bán gia súc mắc bệnh.

Song song đó, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật cho các cán bộ thú y cơ sở và mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn, phuòng chống dịch bệnh, kiến thức pháp luật thú y cho các hộ dân, người chăn nuôi.

Trần Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm