Ninh Thuận xử lý dứt điểm các ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò

Cán bộ thú y cơ sở tuyên truyền cho người dân cách phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Ảnh: TTXVN phát
Cán bộ thú y cơ sở tuyên truyền cho người dân cách phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Ảnh: TTXVN phát

Trước tình hình bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng lan rộng, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.

Ninh Thuận xử lý dứt điểm các ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò ảnh 1Cán bộ thú y cơ sở tuyên truyền cho người dân cách phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Ảnh: TTXVN phát

Để ngăn chặn, xử lý dứt điểm các ổ dịch nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi, tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh viêm trên địa bàn; tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh. Cùng đó, phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi cách ly trâu, bò bị bệnh, nghi bị bệnh để báo cáo chính quyền, cơ quan thú y có biện pháp xử lý kịp thời...

Đồng thời, các địa phương thành lập các chốt kịp soát dịch tại nhiều tuyến đường tiếp giáp với tỉnh đang có dịch để kiểm soát số trâu, bò và sản phẩm thịt vận chuyển vào địa bàn. Ngành thú y phối hợp với các địa phương thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ trâu, bò; ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán sản phẩm thịt trâu, bò trái phép, không rõ nguồn gốc vào địa bàn quản lý để tránh dịch bệnh lây lan.

Bên cạnh đó, tỉnh dành hơn 4,1 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục. Các địa phương khẩn trương tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu 90% tổng số đàn trâu, bò 118.052 con (gồm 114.330 con bò, 3.722 con trâu) thuộc diện tiêm phòng.

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, để kiểm soát dịch bệnh, Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường huy động cán bộ chuyên môn trong ngành phối hợp cùng các địa phương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp khoanh lại vùng dịch và vùng đệm để kiểm soát và dập dịch; giám sát chặt chẽ và hướng dẫn các hộ dân khai báo tình hình dịch bệnh để có hướng xử lý, hỗ trợ kịp thời.

Hiện vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục đã được phân phối về đại lý, cửa hàng thuốc thú y, trạm chăn nuôi và thú y của các huyện, thành phố. Theo thống kê, đến nay lực lượng thú y cơ sở đã tiêm phòng bao vây được 22.108/84.990 con trâu, bò. Kết quả cho thấy, các hộ chăn nuôi chủ động tiêm phòng vaccine thì trâu, bò không mắc bệnh viêm như các đàn chưa được tiêm phòng cho dù dịch bệnh bao vây. Với những con đã mang mầm bệnh trước đó thì biểu hiện bệnh nhẹ và nhanh chóng khỏi.

Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh khuyến cáo, thời tiết đang trong giai đoạn nắng nóng, đan xen các cơn mưa giông tại nhiều địa phương gây bất lợi suy giảm sức đề kháng của gia súc, tạo điều kiện cho côn trùng ve, mòng, ruồi, muỗi... phát sinh là véc tơ truyền bệnh cho trâu, bò. Do đó, cùng với tiêm phòng vaccine, các hộ chăn nuôi cần chú ý vệ sinh chuồng trại, tiêu diệt mầm bệnh; tăng cường biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao sức khỏe cho đàn trâu, bò.

Ninh Thuận đang tập trung phòng chống dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội nên phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò và vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường vào thời điểm này gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị các địa phương xem xét, tạo điều kiện cho người chăn nuôi được cấp Giấy xác nhận đi lại trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để đi mua vaccine hoặc thuốc phòng trị bệnh cho gia súc.

Tại Ninh Thuận, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện đầu tiên tại xã Bắc Phong huyện Thuận Bắc vào ngày 29/6/2021. Sau đó, dịch bệnh lây lan rộng, đến nay có 2.334 con bò của 1.128 hộ chăn nuôi tại 44 xã trên địa bàn 6 huyện gồm Thuận Bắc, Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam và Bác Ái mắc bệnh. Hiện đã có 30 con bò bị chết do dịch bệnh và đã được tiêu hủy với tổng trọng lượng 3.962 kg, ước tính thiệt hại trên 465 triệu đồng.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm