Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận các trường hợp đầu tiên trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục tại huyện Krông Nô và Đắk Glong. Hiện ngành chức năng đang phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp chống dịch.
Cụ thể, bệnh viêm da nổi cục phát hiện đầu tiên ở tỉnh Đắk Nông vào cuối tháng 6/2021 tại hộ dân xã Nam Đà (huyện Krông Nô). Đến nay, có tổng cộng 44 con bò của 26 hộ dân thuộc huyện Krông Nô và Đắk Glong mắc bệnh, chưa có gia súc bị chết và tiêu hủy.
Theo ông Lê Quang Dần, nguyên nhân nhiễm bệnh do các thương lái mua bán trâu bò mang mầm bệnh từ nơi khác ra vào địa bàn, sau đó lây qua việc phối giống từ các hộ kinh doanh. Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông đang vào mùa mưa, độ ẩm cao thuận lợi cho các loại côn trùng phát triển làm dịch bệnh lây lan nhanh.
Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông dự báo bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh có khả năng diễn biến phức tạp, nguy cơ tiếp tục phát sinh ở những xã chưa có dịch. Do phương thức chăn nuôi trâu bò nhỏ lẻ, thả rông của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, điều kiện chuồng trại, vệ sinh của các hộ chăn nuôi chưa tốt, khó khăn khi áp dụng các biện pháp phòng bệnh.
Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn như: thực hiện nghiêm việc không chăn thả trâu, bò chung tại các bãi chăn thả để tránh lây nhiễm bệnh; không cho người lạ, thương lái vào khu vực chuồng trại để ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập; tuyệt đối không được bán chạy, không vận chuyển lưu thông gia súc nhiễm bệnh; chủ động phòng, chống bệnh bằng việc bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho vật nuôi, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, côn trùng hút máu…
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã thành lập các đội phản ứng nhanh cấp huyện để tiến hành kiểm tra, xác minh, phối hợp cơ quan chuyên môn tiến hành lấy mẫu xác định bệnh; thông tin, tuyên truyền kịp thời về diễn biến tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống bệnh đến người dân; tuyên truyền đến người chăn nuôi, trang trại chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt giải pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chủ động sử dụng hóa chất đặc hiệu tiêu diệt côn trùng, vôi bột để khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi…
Đối với các địa phương chưa có dịch, nhanh chóng ban hành kế hoạch phòng, chống dịch; kiện toàn lực lượng chỉ đạo với địa bàn, nhiệm vụ cụ thể. Cấp huyện thành lập đội phản ứng nhanh; cấp xã, thị trấn lập các tổ, đội phòng, chống dịch.
Hiện nay, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có hơn 36.000 con; trong đó, đàn bò 31.500 con, đàn trâu 5.200 con...
Nguyên Dung