Bà Rịa-Vũng Tàu xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò

Bò bị bệnh thường nổi các nốt sần từ nhỏ đến lớn trên da. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN
Bò bị bệnh thường nổi các nốt sần từ nhỏ đến lớn trên da. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu đã ghi nhận ổ dịch viêm da nổi cục trên đàn bò và hiện nay, dịch đã xuất hiện tại 4 địa phương của tỉnh. Bà Rịa-Vũng Tàu đang phải dồn sức cho việc phòng, chống dịch COVID-19, nên việc bùng phát dịch viêm da nổi cục vào thời điểm này cũng khiến lực lượng thú y của tỉnh gặp nhiều khó khăn trong công tác dập dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.

Bà Rịa-Vũng Tàu xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò ảnh 1Bò bị bệnh thường nổi các nốt sần từ nhỏ đến lớn trên da. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại 351 hộ chăn nuôi bò nhỏ lẻ tại 34 xã của 4 địa phương là huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Long Điền và Đất Đỏ, với 625 con bò mắc bệnh; trong đó, có 20 con bị chết phải tiêu hủy.

Ông Nguyễn Xuân Trung thông tin thêm, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng, gia súc có thể chết, gây tổn thất về kinh tế do hạn chế vận chuyển và thương mại.

Ông Trung khuyến cáo, do bệnh viêm da nổi cục lây lan rất nhanh gây thiệt hại cho người chăn nuôi, vì vậy người chăn nuôi khi thấy trâu, bò nuôi bị bệnh với các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là con vật bị sốt cao, có những nốt sần, nổi cục trên da thì báo ngay cho cơ quan thú y để chẩn đoán và lấy mẫu xét nghiệm phát hiện virus viêm da nổi cục nhằm có biện pháp xử lý kịp thời.

Dự báo thời gian tới, nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh và có khả năng lây lan nhanh và gây nhiều thiệt hại cho đàn trâu, bò của tỉnh. Vì vậy, phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng bệnh cho đàn trâu bò như: tiêm vaccine phòng bệnh; tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh: thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học: tăng cường vệ sinh tiêu độc, sát trùng; tăng cường nuôi dưỡng chăm sóc đàn trâu, bò; tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe đàn trâu, bò.

Đồng thời, phải thực hiện tổng hợp các biện pháp để điều trị một số triệu chứng kế phát; tăng sức đề kháng để hồi phục đối với những đàn trâu, bò đã bị nhiễm bệnh để giảm thiểu tới mức thấp nhất số trâu bò bị chết, tiêu hủy do bệnh viêm da nổi cục.

Hoàng Nhị

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm