Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Chulalongkorn đã biến đổi gen một chủng nấm men để tăng cường khả năng của nó tạo ra lượng mỡ cao trong cơ thể mà sau đó có thể được phát triển thêm và biến thành nhiên liệu sinh học cho máy bay.
Giáo sư Warawut Chulalaksananukul, giảng viên và nhà nghiên cứu tại Bộ môn Thực vật học thuộc Khoa Khoa học, Đại học Chulalongkorn, cho biết chủng CU-TPD4 của nấm men Saccharomyces cerevisiae (S. cerevisiae), thường được sử dụng trong sản xuất bia và và bánh mì, đã được biến đổi gen để có thể sản xuất và lưu trữ mỡ cơ thể với lượng mỡ chiếm 20-25% tế bào khô của cơ thể.
Giáo sư Warawut cũng chỉ ra rằng do loại nấm men này sử dụng sinh khối dư thừa trong lĩnh vực nông nghiệp nên việc dùng nó trong sản xuất nhiên liệu sinh học hàng loạt cũng sẽ giúp giảm khối lượng sinh khối nông nghiệp, vốn thường bị nông dân đốt bỏ và gây ra vấn đề khói mù.
Theo nhóm nghiên cứu, chất béo cơ thể được tạo ra bởi chủng nấm men mới phát triển này có thể được sử dụng để sản xuất nhiên liệu như dầu diesel sinh học. Giáo sư Warawut cho biết sử dụng men để tạo nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học có nhiều ưu điểm hơn so với sử dụng thực vật, như có vòng đời ngắn hơn nhiều so với thực vật, có thể trồng bằng nhiều phương pháp, rẻ hơn và cần ít lao động hơn. Bên cạnh đó, loại men này giúp việc sản xuất nhiên liệu sinh học cùng loại được sản xuất bằng dầu thực vật dễ dàng hơn rất nhiều, đồng thời sản phẩm được chứng minh là an toàn cho con người và thân thiện với môi trường.
Dự án nghiên cứu trên được đồng tài trợ bởi Hội đồng nghiên cứu quốc gia Thái Lan và chương trình hợp tác Thái-Trung về năng lượng tái tạo, tập trung vào nghiên cứu và phát triển phương pháp tổng hợp lipid vi sinh vật mới và tinh chế sinh học nhiên liệu máy bay từ các nguồn sinh khối.
Đỗ Sinh