Tết ấm nghĩa tình ở vùng rốn lũ Hà Tĩnh

Xuân Tân Sửu 2021 sắp chạm ngõ muôn nhà. Ở vùng rốn lũ Hà Tĩnh, sau hơn ba tháng những cơn “lũ chồng lũ” đi qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự sẻ chia của đồng bào cả nước, cuộc sống mới đã hồi sinh trên mảnh đất này. Những ngôi nhà mới khang trang được xây dựng lại, nhiều cánh đồng đã được phủ xanh, báo hiệu một năm mới ấm no, đủ đầy…

Tet am nghia tinh o vung ron lu Ha Tinh hinh anh 1Gia đình anh Đặng Bá Quân (thôn Quốc Tiến, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lau dọn nhà cửa, chuẩn bị dựng cây Nêu để đón Tết. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Vươn mình sau lũ

Trận lũ lịch sử hồi tháng 10/2020 đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Hà Tĩnh (trên 5.300 tỷ đồng), riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ước tính thiệt hại hơn 300 tỷ đồng. Ngay sau khi lũ rút, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/TU về khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 và tập trung chỉ đạo nhân dân khôi phục sản xuất vụ Đông Xuân 2021. Nhờ sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của các nhà hảo tâm, các địa phương trong tỉnh đã khôi phục sản xuất.

Trở lại xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên - một trong những nơi bị ngập sâu nhất của tỉnh Hà Tĩnh, khác với cảnh tiêu điều khi cơn lũ mới tràn qua, giờ đây, dọc các tuyến đường, những ruộng lúa, đồng ngô, rau màu đã được phủ xanh. Tạm gác lại những khó khăn, người dân xã Cẩm Duệ đang tất bật với việc dọn dẹp nhà cửa, dựng cây nêu, trang trí đường làng ngõ xóm.

Đang dựng cây nêu cùng những người hàng xóm, anh Dương Văn Khiêm, thôn Trần Phú (xã Cẩm Duệ) vui vẻ cho biết: Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhà hảo tâm, cuộc sống của người dân vùng lũ đã bớt khó khăn hơn. Được hỗ trợ giống và phân bón, đến nay, gia đình anh gieo xong một sào lúa vụ Đông Xuân, rau màu trong vườn đã xanh mướt.

Tet am nghia tinh o vung ron lu Ha Tinh hinh anh 2Gia đình anh Hồ Trần Lập, chị Dương Thị Hoan (đối tượng bảo trợ xã hội) được đón Tết trong căn nhà mới khang trang. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ Lê Ngọc Hải chia sẻ, đợt lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho địa phương, ước tính trên 120 tỷ đồng. Nhờ sự chung tay của toàn xã hội, đời sống người dân đang từng bước ổn định, tập trung cao cho sản xuất vụ Xuân. Nhờ nguồn hỗ trợ 100% giống các loại, 495 ha lúa, 45 ha ngô và rau màu trên địa bàn đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Cùng với Cẩm Xuyên, trên những cánh đồng ở huyện Thạch Hà, lúa vừa cấy xong đã bén chân ruộng. Những dòng sông cuồn cuộn đỏ ngầu nước lũ trước kia giờ đang hiền hòa chảy, mang theo phù sa bồi đắp cho những bãi ngô xanh mướt. Tại cánh đồng trồng các loại rau gia vị của thôn La Xá, xã Tân Lâm Hương, bà con đang tranh thủ ra đồng những ngày giáp Tết thu hoạch rau. Được mùa, được giá, Tết năm nay hứa hẹn sẽ ấm no, đủ đầy.

Chị Lê Thị Thủy ở thôn La Xá cho hay, gia đình chị trồng 2 sào rau gia vị các loại. Đợt lũ vừa qua tuy chịu ảnh hưởng nặng nề, hư hỏng toàn bộ diện tích rau nhưng khi lũ vừa rút, người dân đã bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất. Đến nay, hầu như ngày nào, gia đình chị cũng có rau để bán. Trồng rau gia vị cho thu nhập cao hơn trồng lúa, mỗi tháng gia đình chị có thể thu được khoảng 6-7 triệu đồng từ nghề này.

Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương Nguyễn Văn Ninh hồ hởi cho biết: Trận lũ vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng nhiều vườn mẫu, hàng rào xanh ở các khu dân cư kiểu mẫu. Sau lũ, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân xây dựng lại vườn, khắc phục các tuyến đường và hàng rào xanh. Xã vừa thẩm định 4 khu dân cư đạt các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là niềm vui lớn trên hành trình phấn đấu về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Tết ấm nghĩa tình

Mưa lũ lịch sử đã làm hàng nghìn ngôi nhà tại tỉnh Hà Tĩnh bị hư hỏng nặng. Thiên tai đi qua, nhờ sự quan tâm kịp thời của các cấp ủy Đảng và chính quyền, sự chung tay của các nhà hảo tâm, nỗ lực của từng gia đình, dịp Tết này, nhiều hộ có nhà cửa bị hư hại, cuốn trôi đã kịp đón Xuân trong những ngôi nhà mới.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh, năm 2020, Hà Tĩnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai, dịch bệnh. Trong hoạn nạn, tỉnh nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc, nhờ đó địa phương đang từng bước vượt qua khó khăn trước mắt. Đến nay, với sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, Hà Tĩnh đang tập trung cao cho việc xây dựng nhà chống bão lũ. Dự kiến trong quý I/2021, tỉnh sẽ xây dựng được 20 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ và 1.500 ngôi nhà cho đối tượng khó khăn, ảnh hưởng bởi lũ lụt. Mục đích để tất cả người dân khi thiên tai xảy ra sẽ có nơi tránh trú an toàn.

Đặc biệt dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, tỉnh Hà Tĩnh đã kêu gọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tất cả các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn đều được đón Tết vui Xuân. Dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động được trên 40 tỷ đồng để tặng quà Tết cho các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn.

Tet am nghia tinh o vung ron lu Ha Tinh hinh anh 3Màu xanh mới hồi sinh nơi vùng rốn lũ Cẩm Xuyên. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Là hộ nghèo, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, anh Hồ Trần Lập và chị Dương Thị Hoan (thôn Quang Trung, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) cưới nhau đã 4 năm, được bố mẹ cất riêng cho một căn nhà nhỏ ngay trong vườn của ông bà. Lũ đi qua, tài sản duy nhất của hai vợ chồng là căn nhà vách đất cũng bị cuốn trôi theo. Sau lũ, nhờ nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, gia đình và hàng xóm đã cùng chung tay xây dựng lại cho vợ chồng anh một căn nhà nhỏ kiên cố hơn, với tổng trị giá 120 triệu đồng để kịp đón Tết.

Trong căn nhà còn thơm mùi vữa, chị Dương Thị Hoan xúc động cho biết: Nếu không có sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhà hảo tâm và sự sẻ chia của anh em làng xóm Tết năm nay, vợ chồng chị không có nhà để ở. Tết này, ngoài nhà mới, vợ chồng chị còn được tặng các suất quà như gạo nếp, nước mắm, dầu ăn, tiền mặt…

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Thành Long cho biết, nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, huyện Cẩm Xuyên tập trung mọi nguồn lực để ổn định đời sống cho nhân dân. Để chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách và gia đình chịu thiệt hại do mưa lũ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã ra lời kêu gọi, kết nối các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, đến nay đã có hơn 3.200 suất quà được trao đến cho người dân trong toàn huyện. Địa phương cũng phấn đấu, 100% gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn sẽ có quà trong dịp Tết Tân Sửu. Riêng hỗ trợ về nhà ở, trên địa bàn huyện đã có 50 nhà mới và nhà sửa chữa kịp hoàn thành để nhân dân vui Xuân đón Tết (kinh phí hỗ trợ mỗi nhà sửa chữa từ 10 - 15 triệu đồng, nhà xây mới từ 50 - 60 triệu đồng).

Cùng với nguồn hỗ trợ của nhà hảo tâm, tỉnh Hà Tĩnh đã khởi công hàng chục nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ tại các địa phương Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh… trong tổng số 152 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ mà địa phương dự kiến xây dựng trong thời gian tới. Những ngôi nhà văn hóa cộng đồng này sau khi hoàn thành sẽ là điểm sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho nhân dân, đồng thời là nơi trú tránh khi thiên tai xảy ra.

Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn cũng đã đồng loạt xây dựng nhà ở kiên cố hỗ trợ người có công, hộ nghèo và hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ. Mỗi hộ được hỗ trợ 70 triệu đồng để làm nhà mới và 30 triệu đồng đối với nhà cải tạo sửa chữa. 100% nguồn vốn vận động từ cộng đồng và các doanh nghiệp hỗ trợ.

Theo thống kê từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, đến ngày 3/2/2021, toàn tỉnh đã trao tặng 67.545 suất quà Tết với trị giá hơn 31 tỷ đồng. Đặc biệt, dịp Tết Tân Sửu 2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh quan tâm, hướng đến đối tượng thuộc các Hội, Trung tâm bảo trợ xã hội trong tỉnh và đã kêu gọi, vận động trao 1.970 suất quà, tổng trị giá 985 triệu đồng.

Rời những ngôi làng vùng rốn lũ trong không khí rộn ràng của mùa Xuân, người dân tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và bằng khí chất, tinh thần của người Hà Tĩnh, mảnh đất “chảo lửa, túi mưa” sẽ hồi sinh mạnh mẽ sau thiên tai, bão lũ.

Hoàng Ngà

Tin liên quan

Hơn 400 đoàn viên thanh niên ở Hà Tĩnh tham gia khắc phục hậu quả lũ lụt

Ngày 8/11, tại xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh - một trong những địa phương được coi là tâm lũ vừa qua, tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Hà Tĩnh tổ chức ra quân khởi động Chương trình tình nguyện mùa Đông năm 2020, Xuân tình nguyện năm 2021 và triển khai Công trường thanh niên khắc phục hậu quả lũ lụt.


Hà Tĩnh: Tập trung dọn vệ sinh, phòng chống dịch bệnh tại hàng chục cơ sở y tế sau ngập

Tại tỉnh Hà Tĩnh, trong đợt mưa lũ xảy ra từ 18 đến 20/10 vừa qua, đã có 40 trạm y tế bị ngập trong nước lũ, tập trung chủ yếu tại các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Kỳ Anh, Can Lộc và thị xã Kỳ Anh. Để đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh cho người dân, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh và các bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã tổ chức nhiều đoàn đến các cơ sở y tế để hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc công tác phòng chống dịch như hướng dẫn xử lý nước sinh hoạt, tặng quà, tặng cơ số thuốc, vật tư y tế phòng chống bão lũ...


Hồ Kẻ Gỗ tăng mức xả tràn, tỉnh Hà Tĩnh sơ tán hơn 45.000 dân

Sáng 19/10, thông tin từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, do mưa rất lớn liên tục nhiều ngày qua khiến mực nước hồ Kẻ Gỗ đến sáng 19/10 đã vượt mực nước dâng bình thường 0,9m (tương ứng 33,4/32,5m so với thiết kế).


Hà Tĩnh: Nhiều vùng ngập sâu, lên phương án di dời hơn 2.000 hộ dân ở hạ lưu hồ Kẻ Gỗ

Tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của mưa lớn, liên tục kéo dài, nhiều công trình thủy điện và hồ chứa nước thủy lợi đồng loạt xả lũ đã gây ngập úng ở nhiều nơi. Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ, tỉnh Hà Tĩnh đã ra công điện yêu cầu các đơn vị tăng cường nhiều biện pháp phòng tránh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.


Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ nhà ở vùng rốn lũ tại Hà Tĩnh

Thực hiện Quyết định 2961 ngày 13/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND)Hà Tĩnh, 667 ngôi nhà vượt lũ dành cho hộ nghèo, đối tượng chính sách đã được xây dựng, cải tạo. Nhiều gia đình vùng rốn lũ Hà Tĩnh đã yên tâm làm ăn, từng bước ổn định cuộc sống trong những ngôi nhà mới kiên cố này.



Đề xuất