Tây Ninh tận dụng thế mạnh Di sản văn hóa dân gian để kích hoạt tiềm năng du lịch

Tây Ninh tận dụng thế mạnh Di sản văn hóa dân gian để kích hoạt tiềm năng du lịch

Đờn ca tài tử Nam bộ, múa trống Chhay dăm, múa Khmer… là những Di sản Văn hóa dân gian không chỉ mang bản sắc rất riêng biệt của Tây Ninh mà còn có nhiều tiềm năng để lan tỏa, kích hoạt cho ngành Du lịch của tỉnh bứt phá, phát triển.

Tây Ninh tận dụng thế mạnh Di sản văn hóa dân gian để kích hoạt tiềm năng du lịch ảnh 1Điệu múa của người Khmer trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh)  đã làm du khách đến đây say mê. Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Đờn ca tài tử từ lâu đã trở thành một phần máu thịt trong đời sống của người Nam bộ. Điều khiến loại hình nghệ thuật này lưu danh đến tận ngày nay là nhờ sự bình dị, tao nhã, gần gũi. Đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu kết hợp tạo nên âm thanh tứ tuyệt, không thể trộn lẫn vào đâu cho đờn ca tài tử. Loại hình diễn xướng dân gian đặc trưng này được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Ở Tây Ninh, loại hình này càng có tiềm năng để lan tỏa ra rộng lớn hơn khi tỉnh chọn cách kết hợp gắn với du lịch. Dịp lễ 30/4, Bảo tàng tỉnh Tây Ninh phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Công ty Cổ phần Mặt trời Tây Ninh đã tổ chức triển lãm, trình diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ chuyên nghiệp như một cách để thu hút khách. Tại đây, những điệu múa trống Chhay dăm độc đáo và những vũ điệu múa dân tộc Khmer đầy uyển chuyển được mang đến “đãi” du khách phương xa. Nghe đờn ca tài tử, ngắm điệu múa của những nam thanh nữ tú dân tộc Khmer say sưa biểu diễn khiến du khách thập phương dâng tràn những cung bậc, cảm xúc.

Nói đến múa trống Chhay dăm, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh của lễ hoặc trong các chương trình sinh hoạt cộng đồng của bà con trong phum, sóc dân tộc Khmer. Điệu múa này đã xuất hiện từ rất lâu đời. Riêng, điệu múa trống Chhay dăm ở xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh lại mang một bản sắc riêng biệt của Tây Ninh và nâng lên tầm cao hơn khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 12/2014.

Nghệ thuật múa trống Chhay dăm là hình thức trình diễn dân gian, hình thành trong quá trình lao động, lưu truyền trong dân gian mà các tác phẩm không có tác giả (khuyết danh), không có bản phổ ký âm nhưng điệu múa vẫn được người dân lưu truyền. Ngày nay, múa trống Chhay dăm được biểu diễn tại các nhà văn hóa dân tộc, trong các lễ hội của dân tộc Khmer, Hội Yến Diêu trì cung của Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, trong các liên hoan, hội thi, hội diễn các đội trống Chhay dăm. Để điệu múa trống gian dân đặc sắc này lưu truyền qua nhiều thế hệ đến tận ngày nay, nhiều thế hệ nghệ nhân ở Tây Ninh âm thầm lưu giữ, phát triển, truyền dạy cho thế hệ sau bảo tồn.

Tập trống từ còn nhỏ, đến nay, anh Cao Văn Tha Ni đã nhuần nhuyễn mọi thế múa chiếc trống Chhay dăm. Tha Ni kể, ngày còn bé, anh đã được tập múa trống. Mỗi ngày, Tha Ni tập 3 lần, mỗi lần 30 phút.

“Ban đầu tập múa trống Chhay dăm, mình nản lắm vì phải tập đánh trống bằng gối, chỏ, rồi phải lăn lộn múa trống sưng hết tay chân. Các thầy luôn tìm cách động viên, truyền cảm hứng vì đây là nét văn hóa rất riêng của dân tộc mình. Nhờ đó, tôi đã quyết tâm học bằng được điệu múa này như hôm nay”, Tha Ni kể.

Những ngày được ôm trống nhảy múa biểu diễn trên núi Bà Đen cho hàng ngàn du khách thập phương xem, anh Tha Ni không giấu nổi niềm tự hào: “Bao nhiêu khổ luyện điệu múa của dân tộc mình đều được mọi người trân trọng, tán dương khiến tôi hạnh phúc”.

Múa trống Chhay dăm là bài múa tập thể. Tiết tấu của trống Chhay dăm lúc nhanh, lúc chậm, lúc nhẹ nhàng giao duyên, lúc thể hiện sức mạnh, lúc vui đùa. Điều đặc biệt là ở động tác múa trống Chhay dăm theo bộ võ như xuống tấn, nhào, lộn, đánh trống, song đấu, từng động tác dứt khoát mạnh mẽ. Chính vì những động tác mạnh mẽ, dứt khoát cho nên thường tham gia đội trống tất cả là nam. Cái khó nhất của người nghệ nhân biểu diễn múa trống chính là gõ và múa kết hợp phải nhịp nhàng, chính xác từ cái nhỏ nhất.

Khi đánh trống bằng tay, cùi chỏ, gót chân kết hợp với nhào, lộn nhưng vẫn phải bảo âm thanh vang, không mất tiếng, để không làm hạn chế cảm xúc, sự hưng phấn của người nghe. Trong lúc nhào lộn, người nghệ nhân phải ôm chặt trống vào người, không được để trống chạm sàn diễn, không tạo âm thanh lốp cốp. Người biểu diễn luôn phải tập trung cao độ khi vừa đánh trống, vừa lộn nhào nhiều vòng mà vẫn giữ được tiết tấu cho cả đội.

Riêng điệu múa Khmer trong âm vang tiếng nhạc ngũ âm du dương của đồng bào Khmer vẫn là nét văn hóa rất riêng ở Tây Ninh. Thế nhưng, không phải ai cũng đủ may mắn để có thể đến Tây Ninh đúng vào dịp những lễ hội của đồng bào Khmer, để được chiêm ngưỡng, lắng nghe. Vũ điệu rộn ràng của các thiếu nữ mặc sampot rực rỡ sắc màu. Các vũ công điêu luyện trong điệu múa trống Chhay dăm khi mạnh mẽ khi uyển chuyển đẹp mắt. Âm thanh từ trầm hùng đến cao vút, khi ngọt ngào lúc du dương từ khúc nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer.

Được sống trong những ngày hạnh phúc khi mang những điệu múa ra công chúng, cô gái Khmer - diễn viên múa Trần Phương Duyên tự hào nói: “Điệu múa truyền thống dân tộc từ lâu đã ngấm vào máu của mỗi người dân. Thế nhưng, được biểu diễn, được mang điệu múa truyền thống của dân tộc mình đến công chúng khắp nơi khiến em rất tự hào”.

Theo ông Trần Anh Minh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2022, với sự đầu tư khá bài bản của tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, Tây Ninh đã dần đưa những sản phẩm du lịch đẳng cấp để giới thiệu đến du khách. Nhờ đó, mức độ hài lòng, cũng như tỷ lệ lưu trú ở lại Tây Ninh ngày càng cao. Tương lai, tỉnh sẽ dần hình thành các các sản phẩm du lịch không phải xung quanh câu chuyện của riêng núi Bà Đen, mà sẽ đầu tư du lịch trở thành cụm ngành có chiến lược phát triển bài bản. Đặc biệt, tỉnh sẽ từng bước đi vào từng phân khúc, để đem lại những trải nghiệm về những sản phẩm du lịch đẳng cấp không chỉ trong nước và thu hút du khách quốc tế.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, kế hoạch năm 2023, Tây Ninh dự kiến sẽ đón khoảng 5 triệu du khách, doanh thu du lịch ước đạt 1.800 tỷ đồng. Trước đó, năm 2022, tỉnh đạt 4,5 triệu du khách, tổng doanh thu du lịch 1.400 tỷ đồng, đó cũng là con số kỷ lục từ trước đến nay của tỉnh về du lịch.

Giang Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm