Chương trình do Liên minh Châu Âu tài trợ trong khuôn khổ dự án “Hợp tác chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã” do Tổ chức WCS điều phối thực hiện ở 7 quốc gia khu vực Tiểu vùng Mê Kông và Trung Quốc, Malaysia, Myanmar. Ở Việt Nam, PanNature là đối tác triển khai dự án.
Chương trình tập huấn xoay quanh 3 chủ đề nội dung chính: Nạn buôn bán động vật hoang dã và đề tài báo chí; Tác nghiệp báo chí với chủ đề buôn bán động vật hoang dã; Thực hành tác nghiệp tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Qua đó, hướng tới mục tiêu tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp giữa các nhà báo và chuyên gia; các chuyên gia chia sẻ thông tin và trao đổi với các phóng viên về thực trạng, nguyên nhân cốt lõi của nạn buôn bán động vật hoang dã hiện nay; đồng thời, mở rộng mạng lưới nhà báo quan tâm và có kỹ năng điều tra về chủ đề buôn bán động vật hoang dã.
Tiến sĩ Bạch Thanh Hải, Trung tâm Cứu hộ - Vườn Quốc gia Cát Tiên chia sẻ thông tin về công tác bảo tồn động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Cát Tiên |
Chương trình tập huấn xoay quanh 3 chủ đề nội dung chính: Nạn buôn bán động vật hoang dã và đề tài báo chí; Tác nghiệp báo chí với chủ đề buôn bán động vật hoang dã; Thực hành tác nghiệp tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Qua đó, hướng tới mục tiêu tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp giữa các nhà báo và chuyên gia; các chuyên gia chia sẻ thông tin và trao đổi với các phóng viên về thực trạng, nguyên nhân cốt lõi của nạn buôn bán động vật hoang dã hiện nay; đồng thời, mở rộng mạng lưới nhà báo quan tâm và có kỹ năng điều tra về chủ đề buôn bán động vật hoang dã.
Quang cảnh buổi tập huấn “Khai thác đề tài buôn bán động vật hoang dã” tại Vườn Quốc gia Cát Tiên |
Theo Ban tổ chức, do vị trí địa lý, Việt Nam hiện là một trong những điểm nóng về vụ săn bắt, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trên thế giới. Báo cáo tổng kết tình hình thực thi pháp luật giai đoạn 2013 - 2017 của WCS cho biết: Trong giai đoạn 5 năm từ 2013 đến 2017, các cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt giữ hơn 1.500 trường hợp vi phạm với hơn 130 loài động vật hoang dã bị vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắt… bất hợp pháp.
Các phóng viên tham gia khóa tập huấn thực hành tác nghiệp tại Vườn Quốc gia Cát Tiên |
Phân tích địa điểm phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ vi phạm về động vật hoang dã cho thấy, ngoài các địa bàn sát biên giới thì các vi phạm tập trung chính tại các thành phố lớn của Việt Nam (Hà Nội, TP.HCM). Trong đó, riêng TP.HCM ghi nhận 74 vụ việc được các cơ quan thực thi pháp luật phát hiện, bắt giữ, xử lý vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã, khởi tố 49 vụ án trong 5 năm. Đặc biệt, ngoài hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM thì Đồng Nai cũng ghi nhận số lượng lớn các vụ phát hiện, bắt giữ, xử lý vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã với 126 vụ. Đồng Nai cũng là một trong các điểm nóng ở phía Nam trong vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp xuyên biên giới giữa Campuchia và Việt Nam; đồng thời, là địa phương có khai báo về nơi cư trú của người vi phạm lớn nhất khu vực phía Nam, theo khảo sát của WCS.
Các phóng viên tham gia khóa tập guấn tham quan thực tế tại Vườn Quốc gia Cát Tiên |
Việc kinh doanh, tiêu thụ động vật hoang dã là hoạt động kinh tế bất hợp pháp. Hiện nay, nạn buôn bán động vật hoang dã vẫn đang diễn ra với những thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Hoạt động kinh doanh động vật hoang dã không chỉ xảy ra ở phạm vi từng nước mà còn có sự liên kết mật thiết với nhau trên thị trường quốc tế.
Phóng viên tham gia khóa tập huấn thực hành tác nghiệp bằng điện thoại thông minh tại Vườn Quốc gia Cát Tiên |
Chia sẻ với các phóng viên, ông Lê Xuân Lâm, Quản lý Trạm Bảo tồn Động vật hoang dã Dầu Tiếng - Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã Wildlife at Risk (WAR) cho biết: Các mối đe dọa đến sự suy giảm động vật hoang dã được chia thành hai nhóm là: Yếu tố tự nhiên và yếu tố con người. Trong đó, yếu tố tự nhiên gồm: sấm sét dẫn đến nguy cơ cháy rừng, ngập lụt, lũ quét, hạn hán, nước biển dâng, nhiễm mặn, biến đổi khí hậu dẫn đến tăng thiên địch và giảm nguồn thức ăn của loài.
Yếu tố con người gồm: các hoạt động săn bắt, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép; Khai thác rừng, đốt rừng, gây ô nhiễm nguồn nước, sử dụng hóa chất, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng dẫn đến suy giảm các loài; sự du nhập các loài ngoại lai; Chính sách chồng chéo, thực thi pháp luật chưa nghiêm; Kiểm soát chưa hiệu quả vấn đề di cư sống gần rừng, khu bảo tồn.
Vườn Quốc gia Cát Tiên là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã như: gấu, khỉ, voọc… |
Việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã để làm thức ăn, thuốc, quà tặng, mỹ phẩm, đồ trang sức, vật trang trí, vật tâm linh… do hoàn cảnh cuộc sống, sự mù quáng hay vì lợi nhuận đều là nguyên nhân chính làm mất đi sự đa dạng sinh học, làm tuyệt chủng một số loài động vật quý hiếm. Sự tồn tại một số loài động vật đang ở mức báo động, thậm chí gần như tuyệt chủng.
Vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của môi trường và động, thực vật hoang dã; Phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã; Hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân làm du lịch cộng đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; Ứng dụng công nghệ trong quản lý rừng, giám sát, chi trả dịch vụ môi trường rừng; Định vị các loài cây quý hiếm; Giao trách nhiệm quản lý địa bàn cụ thể cho từng trạm, cá nhân; Tăng cường theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; Tu bổ lại hệ thống đường ranh, cột mốc biên giới; Tăng cường công tác phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị giáp ranh có liên quan.
Vườn Quốc gia Cát Tiên là nơi bảo tồn nhiều loại cây quý hiếm, đặc chủng |
Trong chuyến tập huấn các phóng viên đã tích cực chia sẻ kiến thức, những thông tin hữu ích, đề tài cần khai thác và kỹ năng điều tra, cùng thảo luận giải đáp câu hỏi về vấn nạn buôn bán động vật hoang dã. Qua đó, giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hiện bài điều tra cho các phóng viên xoay quanh chủ đề phản ánh thực trạng buôn bán động vật hoang dã; đồng thời, giúp những người làm báo hiểu rõ hơn về những khó khăn và thách thức trong công tác bảo tồn động vật hoang dã trong tình hình hiện nay. Từ đó, chuyển tải thông điệp hữu ích, lan tỏa tình yêu thiên nhiên, yêu động vật, góp phần vào việc bảo vệ rừng, môi trường sinh thái và động vật hoang dã./.
PanNature - Trung tâm con người và thiên nhiên được hình thành từ cuối năm 2004 bởi các sáng lập viên có cùng mong muốn thành lập một tổ chức phi lợi nhuận do chính người Việt Nam quản lý và điều hành. PanNature hoạt động nhằm mục đích bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng của thiên nhiên và tìm kiếm những giải pháp khả thi nhằm cân bằng mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên đã và đang bị phá vỡ bởi các áp lực từ các hoạt động phát triển kinh tế và các nhân tố thị trường. Trung tâm Con người và Thiên nhiên chính thức có quyết định thành lập vào ngày 05/01/2006. |
Yến Thanh/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (TTXVN)
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN